Tham dự tọa đàm "Quản trị năng lượng tổ chức trong thời kỳ giông bão" do Mentally Fit tổ chức với bộ râu khá "rậm rạp", ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom – cho biết, một trong những cách ứng phó mùa dịch là "học theo tự nhiên" – Ngủ đông, cũng giống như ông đang phải "ngủ đông" với dịch vụ cạo râu, cắt tóc.
3 việc cần chuẩn bị nếu 'ngủ đông'
Ảnh minh họa. Nguồn: Pixels.
Ông Tiến cho rằng, trước khi quyết định dịch vụ nào ngủ đông, phải xác định xem thực sự khách hàng của chúng ta có "ngủ". Khi đã xác định được rồi, những việc cần chuẩn bị cho hành trình ngủ đông gồm:
- Chuẩn bị "thức ăn dự trữ": Với doanh nghiệp, là tài chính. Việc đầu tiên nhìn rất rõ là phải cắt giảm tất cả chi phí.
"Các anh chị có thể thương lượng với chủ nhà, theo kiểu 50/50, ví như nói với họ: "Thực sự tôi vào thế khó lắm! Nếu anh chị đồng ý giảm 50% số tiền nhà, tức 1 năm tính bằng 6 tháng, tôi sẽ cố gắng giữ việc thuê thêm 1 năm". Và đề nghị khi hoạt động trở lại mới bắt đầu trả, vì lúc ấy mới có dòng tiền".
"Tôi nghĩ rất nhiều chủ nhà cũng hiểu rằng giờ không cho anh chị thuê cũng chẳng ai muốn thuê cả, và người ta muốn thuê cũng chưa thể bước vào thuê được. Đó là một cách chúng ta bắt đầu ngủ đông", ông Tiến chia sẻ.
- Lo cho nhân sự:
"Hãy đưa nhân viên mỗi em vài triệu, bảo các em về quê. Về quê còn tiết kiệm được chứ ở Hà Nội phải thuê nhà, chi phí đắt đỏ. Về quê cùng lắm bố mẹ nuôi được, hoặc tự nuôi được. Chủ doanh nghiệp nhớ giữ liên hệ với những nhân sự chủ chốt nhất", ông Tiến khuyến nghị.
Ảnh minh họa.
- Chuyển sang chế độ life-long-learning – học tập suốt đời: Tại thời điểm này, giao cho nhân sự chủ chốt trong 3 tháng học những kiến thức mới, kỹ năng mới.
Việc học này, ông Tiến gọi là "ngủ đông tích cực", để chờ khi quay trở lại, chúng ta sẽ có một tâm thế mới để xắn tay vào việc.
"Tôi có niềm tin rất lớn là 15/9 tới đây, các dịch vụ sẽ quay trở lại", ông Tiến nói.
Động thái của FPT Telecom: Chiến đấu và Tư duy mới về những vấn đề không mới
Ảnh minh họa. Nguồn: Geektyrant.
Ông Tiến cho biết, FPT không thuộc nhóm Ngủ đông mà thuộc nhóm thứ 2 – Chiến đấu.
Trong mùa dịch, khách hàng của FPT Telecom không nghỉ, mà sử dụng nhiều hơn, và ngày càng ít kiên nhẫn. Trước đây nếu đứt Internet, FPT Telecom có 4 – 8 tiếng để khắc phục, nay sức kiên nhẫn của khách hàng chỉ còn trong 2 tiếng.
Trong Covid, FPT đã chuyển từ điều hành thành chỉ huy. Ban lãnh đạo FPT Telecom trước đây họp giao ban 1 lần/tuần, nay điều hành 16.000 người nhưng sáng nào cũng họp để chia sẻ những thông tin mới nhất, và ra ngay quyết định.
"Những quyết định ngày trước phải chờ sau 1 tuần, đi từ quá trình nghe báo cáo, cân đối rồi ra quyết định, thì nay ra quyết định trong ngày, cùng lắm để đến ngày hôm sau. Tức là, Time to market, Speed up decision – Thời gian chúng ta quyết định cho thị trường, thời gian thực hiện các quyết định giảm xuống trong 24h", ông Tiến nói.
Giờ này chúng tôi rất hiểu rằng: Người đầu tiên gặp khách hàng không phải người bán hàng hay lễ tân, mà là anh bảo vệ!
Bên cạnh đó, với câu chuyện "khách hàng là trung tâm", ông Tiến cho rằng giờ đây chúng ta không dùng từ "hiểu khách hàng", mà dùng 2 từ: Thấu hiểu và Thấu cảm. Tức, hiểu được chính xác vấn đề của khách hàng, hiểu được nỗi đau của khách hàng. Ông Tiến cho rằng vấn đề đó hiện nay là "Kết nối".
"Chúng tôi biết khách hàng giờ phải kết nối được với nhau, kết nối với xã hội, với mọi người. Chúng tôi gọi là kết nối yêu thương. Khi chúng ta thấu hiểu được khách hàng, thấu cảm được khách hàng thì các hành động của chúng ta sẽ rất khác biệt. Chúng tôi thay vì lên kế hoạch theo năm, sơ kết theo quý, giờ lên kế hoạch theo quý và thực hiện kế hoạch kinh doanh theo từng tháng".
"Để làm được điều ấy, phải làm sao huy động được sự sáng tạo của tất cả mọi người, từ Chủ tịch đến người bán hàng, từ Tổng Giám đốc cho đến anh bảo vệ. Lúc này chúng tôi đều rất hiểu rằng: Người đầu tiên gặp khách hàng không phải người bán hàng hay lễ tân, mà là anh bảo vệ. Anh bảo vệ sẽ chăm sóc, đảm bảo 5K…", ông Tiến nói.
Chủ tịch HĐQT FPT Telecom cũng bày tỏ quan điểm "Trong nguy có cơ", với "tư duy không cũ về những vấn đề không mới".
"Kinh doanh chúng ta có những dịch vụ, sản phẩm truyền thống, nhưng chúng ta sẽ có cách nghĩ mới về những sản phẩm đó của chúng ta", ông Tiến nói.
"Chúng tôi rất bất ngờ trong hoàn cảnh hiện nay, hàng loạt cơ hội mới của chúng tôi đã hình thành. Sự kiện này đang dùng Zoom. Và trục trặc khi kết nối qua Zoom không phải tại mạng ở nhà của diễn giả hay khán giả, mà trục trặc do Zoom kết nối với server đặt ở nước ngoài. Vì vậy khi đường mạng quốc tế bị nghẽn hay đứt, sẽ ảnh hưởng. Ngay lập tức, chúng tôi trong vòng 6 tháng đã làm ra sản phẩm như Zoom, là WebEx".
Một dịch vụ khác của FPT Telecom ông Tiến "khoe" là Service Online. Bình thường mạng trục trặc, FPT Telecom phải cử người đến điều tra, đánh giá, việc sửa chữa này hiện khó khăn với các vùng xanh, vùng đỏ, khi người dân cũng ngại hệ thống kỹ thuật đến trong giai đoạn Covid. FPT Telecom đã sử dụng Service Online.
"Giờ đây, có hơn 70% ca vụ hàng ngày khách hàng gọi đến, chúng tôi sử dụng hệ thống này", ông Tiến nói.