Chóng mặt sau khi kết thúc một bài tập mệt mỏi hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh là bình thường nhưng nếu bạn chao đảo cả ngày thì rất có thể do một vấn đề nào đó nghiêm trọng hơn.
Chóng mặt nhẹ là tình trạng bạn chỉ cảm thấy lâng lâng, chao đảo, nhưng nặng hơn thì có thể dẫn đến ngất xỉu, buồn nôn, nôn mửa. Thỉnh thoảng có một cơn chóng mặt là khá phổ biến, nhưng nếu bạn nhận thấy các cơn chóng mặt xuất hiện liên tục, thậm chí ngày càng nặng hơn thì nên trao đổi với bác sĩ. Bởi nguyên nhân dẫn đến các cơn chóng mặt là rất nhiều. Chỉ có đến gặp bác sĩ để được kiểm tra bạn mới có thể biết được chính xác do đâu.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây chóng mặt bạn cần lưu ý.
1. Huyết áp giảm
"Khi bạn đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm, máu của bạn không di chuyển nhanh đến đầu, bạn sẽ trải qua cảm giác chóng mặt", Sherry Ross, chuyên gia sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California, nói với Health. "Về mặt y học, điều này được gọi là hạ huyết áp thế đứng - có sự sụt giảm huyết áp nghiêm trọng khi bạn đứng lên", cô nói thêm.
Nếu điều đó xảy ra thường xuyên, hãy cân nhắc nói chuyện với bác sĩ, Tiến sĩ Ross khuyên.
2. Lưu thông kém
Lưu thông máu đến não của bạn kém có thể gây chóng mặt, cũng như yếu, tê và ngứa ran ở tay chân. Điều này là do não của bạn không nhận được nhiều máu như nó cần.
Theo một nghiên cứu đưa trên trang MedlinePlus, bệnh tim tiềm ẩn có thể là lý do tại sao não của bạn không nhận đủ máu. Hoặc trong một số ít trường hợp, chóng mặt có thể là triệu chứng của một cơn " đột quỵ nhỏ " hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), trong đó lưu lượng máu đến não tạm thời bị chặn. Các triệu chứng khác của TIA bao gồm yếu ở một bên mặt hoặc cơ thể, mờ mắt, khó nói và các vấn đề phối hợp tay chân.
3. Lượng đường trong máu thấp
Cũng theo nghiên cứu trên MedlinePlus, lượng đường trong máu thấp ( hạ đường huyết ) xảy ra khi cơ thể không nhận đủ đường (hoặc glucose). Khi lượng đường trong máu thấp, bạn có thể cảm thấy run rẩy, chóng mặt, lo lắng hoặc yếu sức và nôn nao. Lượng đường trong máu thấp cũng có thể dẫn đến nhầm lẫn và khó nói.
Nếu cơn chóng mặt của bạn có liên quan đến lượng đường trong máu thấp, hãy ăn một bữa ăn nhẹ. Carbohydrate (tinh bột) có thể giúp đưa lượng đường trong máu của bạn tăng trở lại. Nếu loại chóng mặt này xảy ra thường xuyên, hãy trao đổi với bác sĩ.
4. Cơ thể mất nước
Khi cơ thể bị mất nước, choáng váng và chóng mặt cùng với hạ huyết áp có thể xảy ra. Nếu bạn bị mất nước, bạn cũng có thể cảm thấy khát nước, đi tiểu và đổ mồ hôi ít hơn, cảm thấy mệt mỏi, da khô...
Các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn (ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao) cũng có thể gây mất nước. Vì vậy, nếu tình trạng này vẫn xảy ra cho dù bạn uống nhiều nước trong ngày thì nên trao đổi ngay với bác sĩ.
5. Thiếu máu
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ của Hoa Kỳ, cơ thể cần nhận đủ chất sắt là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với phụ nữ. Sắt giúp bạn sản xuất các tế bào hồng cầu và duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nếu cơ thể bị thiếu sắt , một triệu chứng phổ biến sẽ xuất hiện là chóng mặt. Ăn thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp giảm nguy cơ thiếu sắt.
6. Rối loạn lo âu
Bạn nghĩ rằng lo lắng không liên quan đến chóng mặt? Bạn đã sai rồi. Tuy nhiên theo MedlinePlus, lo lắng có thể gây ra không chỉ chóng mặt, mà còn các triệu chứng thể chất khác như nhịp tim đập thình thịch, đau nhức không rõ nguyên nhân và khó thở.
Tránh các tác nhân gây lo lắng cho sự lo lắng của bạn, như caffeine và một số loại thuốc, có thể ngăn ngừa loại chóng mặt này. Nếu đang đau đầu do hoảng loạn hoặc lo lắng, hãy cố gắng tập trung vào việc làm chậm nhịp thở. Hít thở nhanh, nông sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng choáng váng hoặc chóng mặt của bạn mà thôi.
7. Dị ứng thực phẩm
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn phản ứng với một số protein trong thực phẩm, một phản ứng dị ứng xảy ra. Các phản ứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến bao gồm các loại hạt, sữa, trứng, các sản phẩm từ đậu nành và động vật có vỏ. Phản ứng dị ứng có thể là giảm huyết áp và gây chóng mặt.
Khi nào thấy chóng mặt thì cần đến bệnh viện ngay?
Nếu cơn chóng mặt của bạn đi kèm với đau đầu hoặc nôn mửa dai dẳng, đau cổ, sốt, mờ mắt, khó nghe và nói, tê chân tay, mất ý thức, đau ngực... hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt kèm theo các triệu chứng nói trên có thể nghiêm trọng hơn những gì bạn nghĩ. Đi khám để được kiểm tra kịp thời nguyên nhân có thể sẽ cứu mạng bạn đấy.
Theo Health, Womenshealth, Medlineplus