Sữa chua được làm từ sữa, lên men tự nhiên và chứa nhiều lợi khuẩn, được khuyến khích trong chế độ ăn lành mạnh. Thực phẩm giàu lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, tiêu hóa tốt, giảm viêm, từ đó tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Kim chi là món truyền thống của Hàn Quốc, có vị chua và đậm đà, được làm từ bắp cải hoặc củ cải, dưa leo, tẩm ướp cùng muối và các gia vị khác. Kim chi được lên men bằng vi khuẩn tự nhiên từ rau, tạo ra các loại men vi sinh có nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa và chức năng miễn dịch.

Kim chi giàu lợi khuẩn. Ảnh: Anh Chi
Bánh mì chua được làm bằng cách lên men bột mì, nước với vi khuẩn axit lactic và nấm men. Loại bánh mì chứa nhiều vi khuẩn có lợi từ quá trình lên men, giúp kiểm soát các tình trạng liên quan đến viêm, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.
Đậu phụ lên men (Tempeh) được làm bằng cách trộn đậu nành nấu chín với men, kết dính đậu thành một khối bánh cứng. Tempeh giàu protein thực vật, có thể mang lại nhiều lợi ích như giảm viêm, tốt cho đường ruột và cung cấp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị tổn thương.
Kombucha là một loại trà lên men có gas, được làm bằng cách thêm hỗn hợp vi khuẩn có lợi và nấm men vào trà đen hoặc trà xanh có đường. Kombucha có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách tăng cường vi khuẩn có lợi trong ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giảm các vấn đề khác về dạ dày.
Dưa cải bắp thường được dùng để ăn kèm hoặc làm gia vị nấu canh, cho vào bánh mì. Dưa cải bắp giàu vi khuẩn có lợi, hỗ trợ chức năng của hệ thống miễn dịch và giảm viêm.
Tương miso chứa nhiều vi khuẩn có lợi, đem đến một số lợi ích liên quan đến đường ruột và giảm viêm. Miso được làm bằng cách lên men đậu nành với muối và một loại men để tạo thành hỗn hợp mềm mịn, thường dùng các món súp và nước xốt ướp của Nhật Bản.
Đậu tương được làm bằng cách hấp đậu nành và sau đó lên men chúng với vi khuẩn có lợi. Ngoài chức năng hỗ trợ sức khỏe đường ruột, đậu tương lên men còn có lợi cho tim mạch và xương, góp phần cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin.
Dù thực phẩm giàu lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa song người lớn không nên ăn quá nhiều một lúc. Các món như kim chi, dưa cải bắp thường nhiều muối, mọi người cần kiểm soát liều lượng vừa đủ cho một ngày. Nên cân đối thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn với các chất dinh dưỡng khác. Uống nhiều nước, hạn chế thịt chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường và chất béo, tập thể dục thường xuyên cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
(Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |