Trước đó, ông Năm thi thoảng mỏi cánh tay trái, lúc hoạt động mạnh vùng ngực căng tức nhưng nhanh chóng bình thường khi nghỉ ngơi. Ông Năm khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, cho biết kết quả thăm dò chức năng tim thất trái của ông Năm chỉ còn 45-50% (bình thường là 65-70%). Hệ mạch vành xuất hiện nhiều mảng vôi hóa, hẹp, tắc nặng tại nhiều vị trí, trong đó có các đoạn tắc hoàn toàn mạn tính. "Nếu không điều trị sớm, tình trạng hẹp, tắc lan tỏa mạch vành lâu ngày khiến suy tim tiến triển, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp nguy hiểm và ngưng tim đột ngột", bác sĩ Ước nói.
Bác sĩ đưa ra hai hướng điều trị là can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phó giáo sư Ước giải thích phương pháp đặt stent có chỉ định rộng hơn và khá phổ biến hiện nay, thường áp dụng khi hẹp tắc một vài nơi và đơn độc một vài đoạn ngắn. Với bệnh nhân có tổn thương lan tỏa nặng nề, mổ bắc cầu động mạch vành từ động mạch chủ đến các đoạn mạch còn thông là giải pháp hiệu quả và lâu dài.
Ông Năm có các đoạn tắc mạn tính, nhiều vị trí không còn khả năng tái thông bằng can thiệp, nhiều nơi có hẹp phức tạp. Bác sĩ quyết định phẫu thuật cho ông Năm vì sức khỏe tốt, vẫn đáp ứng các điều kiện để trải qua cuộc mổ. Êkíp lấy mảnh ghép mạch máu khỏe mạnh khác trong cơ thể (thường là động mạch ở thành ngực, tay hoặc tĩnh mạch ở chân) để làm cầu nối giàu oxy bắc qua đoạn mạch bị tắc hẹp. Khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện các đoạn mạch của người bệnh bị vôi hóa nhiều nên không thể thực hiện kỹ thuật theo cách thông thường. Bác sĩ nạo bỏ phần vôi, sau đó mới khâu nối, đảm bảo dòng máu lưu thông tốt.

Êkíp thực hiện phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau ca mổ gần 8 tiếng, phó giáo sư Ước đánh giá chức năng tim của ông sau mổ phục hồi lên 65%, tương đương người bình thường. Ông xuất viện sau một tuần.
Phần lớn người mắc bệnh mạch vành chỉ đến bệnh viện khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt như đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, khó thở khi gắng sức hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh thích nghi với tình trạng thiếu máu kéo dài, khiến tim suy yếu dần mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người từ 40 tuổi trở lên, nhất là sau tuổi 50 nên tầm soát tim mạch.

Phó giáo sư Ước khám cho ông Năm khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trường hợp nhẹ (hẹp dưới 50%, thành mạch chưa vôi hóa nhiều), bệnh nhân thường được điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông, giảm xơ vữa. Khi mạch vành hẹp nặng hơn, bác sĩ chỉ định chụp mạch vành qua da để đánh giá chi tiết, sau đó phần lớn sẽ được can thiệp bằng nong bóng, đặt stent. Phương pháp này ít xâm lấn, ít đau, hồi phục nhanh nhưng không áp dụng cho mọi bệnh nhân, nhất là người có tổn thương mạch phức tạp.
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |