Ngoài đốt cháy calo, trao đổi chất hỗ trợ chức năng của cơ thể gồm giảm mỡ, tiêu hóa, cân bằng hormone. Nhiều thói quen hàng ngày thường gặp hàng ngày có thể âm thầm ảnh hưởng xấu đến quá trình này.
Ăn ít
Ăn ít ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất. Khi không nhận đủ calo, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ bảo tồn năng lượng, làm chậm các quá trình trao đổi chất quan trọng để bảo vệ cơ thể. Theo thời gian tình trạng này dẫn đến mệt mỏi, cáu kỉnh, suy nhược cơ. Để hỗ trợ quá trình trao đổi chất lành mạnh, mỗi người hãy ăn uống cân bằng bao gồm cung cấp lượng calo phù hợp dựa trên giới tính, nhu cầu, mức độ hoạt động của cơ thể.
Nhịn ăn quá lâu
Nhịn ăn gián đoạn quá lâu có thể khiến năng lượng giảm, tăng cảm giác thèm ăn và quá trình trao đổi chất chậm lại. Bỏ bữa làm tăng mức cortisol (hormone gây căng thẳng) dẫn đến tích trữ chất béo, mất cơ. Lúc này, duy trì lượng đường trong máu ổn định cũng khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất nói chung.
Mỗi người hãy bắt đầu ngày mới bằng bữa ăn cân bằng bao gồm protein, chất béo lành mạnh và carbohydrate phức hợp để ổn định lượng đường trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Bữa sáng đủ chất cung cấp năng lượng cho ngày mới, duy trì vóc dáng cân đối.
Ngồi quá nhiều
Cơ bắp hoạt động như động cơ cho quá trình trao đổi chất bằng cách đốt cháy calo ngay cả khi nghỉ ngơi. Khi chúng không hoạt động trong thời gian dài, quá trình trao đổi chất giảm xuống. Người dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi, hãy hẹn giờ để đứng, duỗi người hoặc đi bộ sau mỗi 60 phút. Đi bộ hoặc giãn người trong vài phút giúp kích hoạt cơ bắp, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Không ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất cần thiết cho mọi khía cạnh của sức khỏe. Thiếu ngủ mạn tính làm gián đoạn các hormone như leptin và ghrelin, giúp điều chỉnh cơn đói và cảm giác no. Không ngủ đủ giấc thường xuyên cũng dẫn đến tăng cân, tăng tích trữ mỡ, làm chậm quá trình trao đổi chất.
Thường xuyên căng thẳng
Căng thẳng mạn tính kích hoạt giải phóng cortisol, làm tăng lượng mỡ dự trữ, nhất là vùng bụng. Căng thẳng kéo dài cũng ảnh hưởng đến điều hòa lượng đường trong máu, khiến quá trình trao đổi chất chậm lại. Các phương pháp giảm căng thẳng như đi bộ, thiền, bài tập thở hoặc viết nhật ký vào thói quen hàng ngày có thể giúp ích.
Ăn không đủ protein
Protein là chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu cần thiết để duy trì khối lượng cơ, ổn định lượng đường trong máu, kiểm soát cơn đói. Chế độ ăn ít protein có thể dẫn đến quá trình trao đổi chất chậm vì cơ thể không duy trì đủ khối lượng cơ nạc.
Protein cũng cần nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa, điều này có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Bạn nên ưu tiên nguồn thực phẩm nguyên chất như thịt gà, trứng, đậu phụ, sữa chua Hy Lạp, các loại đậu.
(Theo Eat This Not That)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |