Chiều 12.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương).
Theo cáo buộc, dù hồ sơ của Công ty Thái Dương thiếu nhiều điều kiện, thế nhưng thông qua sai phạm của nhóm cán bộ tại Bộ TN-MT và tỉnh Yên Bái, doanh nghiệp này vẫn được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương
ẢNH: PHÚC BÌNH
Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương sau đó chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hàng ngàn tấn quặng đất hiếm và quặng sắt, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.
Ông Huấn là người duy nhất bị truy tố 3 tội danh: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; gây ô nhiễm môi trường.
"Chỉ nghĩ cấm xuất khẩu còn trong nước vẫn được bán"
Đứng trước bục khai báo, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn liên tục nghẹn ngào và bật khóc, khiến chủ tọa phải nhiều lần trấn an.
Ông Huấn trình bày, Công ty Thái Dương thành lập năm 2002, vốn điều lệ 200 tỉ đồng, đến nay tổng tài sản khoảng 1.000 tỉ đồng. 3 cổ đông đứng tên gồm ông Huấn, vợ và anh trai. Song, mọi hoạt động của công ty đều do bị cáo điều hành.
Chủ tọa hỏi ông Huấn về các số liệu trong bản cáo trạng của Viện KSND, bị cáo có thường xuyên kiểm tra, nắm bắt "đầu vào, đầu ra" hay không? Chủ tịch Công ty Thái Dương cho hay bản thân mới học hết lớp 8, vì thế mọi hoạt động liên quan đến nghiệp vụ sổ sách đều giao cho kế toán của công ty.
Đối với mỏ đất hiếm Yên Phú, bị cáo Huấn cho biết được Bộ TN-MT cấp phép. Quá trình giải quyết thủ tục, bị cáo khẳng định không phải nhờ cậy, tác động hay chi tiền cho cá nhân nào. "Hồi đó không ai để ý đến đất hiếm, khi xin giấy phép cán bộ còn hỏi khai thác để làm gì", bị cáo Huấn khai.
Theo cáo buộc, một trong những điều kiện để khai thác là phải xây dựng nhà máy thủy luyện và chiết tách để chế biến sâu đất hiếm. Tuy nhiên, Công ty Thái Dương đã không đạt tiêu chí này.
Chủ tọa hỏi về việc bán quặng đất hiếm sau khi khai thác, Chủ tịch Công ty Thái Dương nói do bản thân hiểu biết hạn chế, có nắm được quy định cấm xuất khẩu quặng thô, nhưng cho rằng chỉ áp dụng với việc bán ra nước ngoài, còn bán trong nước thì không sao.
Vì thế, bị cáo đã bán quặng cho Công ty Đất hiếm Việt Nam cùng một số cá nhân người Trung Quốc. "Bị cáo đến tận nơi, thấy họ có xưởng chế biến thật, nên mới bán", bị cáo Huấn khai.

Các bị cáo tại tòa
ẢNH: PHÚC BÌNH
Kế toán trưởng mong được xem xét 1 tội danh
Tại Công ty Thái Dương, ngoài Đoàn Văn Huấn còn có bị cáo Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bị truy tố 2 tội vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Chính bị cáo buộc giúp sức cho ông Huấn trong việc chỉ đạo khai thác, quản lý theo dõi sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ trái phép quặng.
Trước tòa, bị cáo Chính thừa nhận số liệu mà cơ quan tiến hành tố tụng nêu trong cáo trạng là chính xác. Tuy nhiên, bị cáo nói không tham gia điều hành hoạt động mỏ, chỉ làm nghiệp vụ kế toán thông qua việc cập nhật số liệu, tình hình kinh doanh của công ty.
Về nguồn tiền thu được từ việc bán quặng, bị cáo nói chủ yếu đầu tư cho hoạt động kinh doanh, trong đó có xưởng thủy luyện, ngoài ra là chi phí nguyên vật liệu cũng rất nhiều.
Chủ tọa hỏi suy nghĩ sao khi bị truy tố với vai trò đồng phạm, ông Chính nói ban đầu chưa hiểu vì sao bị truy cứu, bởi bản thân chỉ cập nhật số liệu xuất bán, tồn kho... Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, được giải thích, bị cáo mới hiểu số quặng mà công ty đã khai thác là chưa đủ tiêu chuẩn để tiêu thụ.
Với vai trò là kế toán trưởng của công ty, ông Chính nhận trách nhiệm, chấp nhận cáo buộc sai phạm về hoạt động kế toán, nhưng mong được xem xét về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.