Các công ty công nghệ giá trị nhất thế giới thường được thành lập trong phòng ký túc xá, garage để xe hay thậm chí là quán ăn bởi các doanh nhân còn rất trẻ. Ví dụ điển hình như Bill Gates khởi nghiệp khi 19 tuổi, Steve Jobs 21 tuổi, Jeff Bezos và Jensen Huang 30 tuổi.
Nhưng có một công ty có tầm quan trọng "vô giá" với thế giới lại được thành lập bởi Morris Chang khi ông đã 55 tuổi. Tờ WSJ cho rằng, chưa bao giờ có ai già đến thế tạo ra được một doanh nghiệp có giá trị lớn như vậy.
Công ty đó là TSMC, nhà sản xuất chip - bộ phận thiết yếu cho máy tính, điện thoại, ô tô, hệ thống trí tuệ nhân tạo và nhiều thiết bị, tất cả đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người trên toàn thế giới.
Trên thực tế, vào thời điểm năm 1985, Morris Chang đã có một sự nghiệp vững chắc và lâu dài trong lĩnh vực chip và ông hoàn toàn có thể nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy mà tìm cách cách mạng hóa ngành công nghiệp mà mình đang theo đuổi.
"Tôi muốn xây dựng một công ty bán dẫn vĩ đại", Chang nói.
Những gì ông xây dựng không giống bất kỳ công ty bán dẫn nào hiện có. Bạn có thể sử dụng một thiết bị có chip do TSMC sản xuất hàng ngày, nhưng TSMC thực tế không thiết kế hoặc tiếp thị những con chip đó. Ý tưởng cấp tiến của Chang về một công ty bán dẫn vĩ đại là công ty sẽ độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng thiết kế.
Bằng cách không thiết kế hoặc bán chip của riêng mình, TSMC chưa bao giờ cạnh tranh với chính khách hàng của mình. Đổi lại, họ sẽ không phải bận tâm đến việc vận hành các nhà máy chế tạo của riêng mình, hay các cơ sở sản xuất đắt tiền và phức tạp.
Mô hình kinh doanh sáng tạo đằng sau xưởng sản xuất chip của ông sẽ biến đổi ngành công nghiệp này và khiến TSMC không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, đây là công ty mà người Mỹ tin tưởng nhất nhưng lại có ít người biết đến nhất.
Morris Chang cũng không phải là một cái tên quen thuộc. Người sáng lập TSMC đã định hình hoạt động kinh doanh chip trong hơn 70 năm qua và hiện vẫn giữ một vai trò quan trọng như vậy. Do tuổi đã cao, ông hiện cũng đứng đầu danh sách những người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc phát triển công nghệ quan trọng nhất thế giới.
Chris Miller, tác giả cuốn sách "Chip War" cho biết: "Hầu như không ai có ảnh hưởng lớn hơn Morris Chang".
Chang, hiện 92 tuổi, đã chính thức nghỉ hưu với tư cách chủ tịch TSMC vào năm 2018, nhưng ông vẫn ngồi ở bàn làm việc trong bộ vest và cà vạt khi nhấp một ly Diet Coke trong cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút của WSJ.
Chang sinh ra ở Trung Quốc và có một tuổi thơ khá vất vả, sau đó ông sang Mỹ năm 1949. Chang lớn lên với ước mơ trở thành một nhà văn - một tiểu thuyết gia, có thể là một nhà báo - và ông dự định theo học chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Harvard. Nhưng sau năm thứ nhất, ông quyết định rằng điều ông thực sự muốn là một công việc tốt. Ông chuyển đến Viện Công nghệ Massachusetts, nơi ông học ngành kỹ thuật cơ khí và sau đó tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông nổi tiếng là một nhà quản lý ngoan cường, người có thể tận dụng mọi cải tiến có thể có trong dây chuyền sản xuất, điều này đưa sự nghiệp của ông đi nhanh chóng. Ba năm sau khi chuyển đến Dallas, công ty đã cử ông đến Đại học Stanford để lấy bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ thuật điện. Vào cuối những năm 1960, ông đang quản lý bộ phận mạch tích hợp của Texas Instruments (TI). Chẳng bao lâu sau, ông đã điều hành toàn bộ nhóm bán dẫn.
là một người nghiện công việc đến mức thường xuyên gọi điện chào hàng ngay cả trong tuần trăng mật và không kiên nhẫn với những người không cùng chí hướng với mình.
"Người ta nói về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đó là một thuật ngữ mà tôi thậm chí còn không biết. Với tôi khi còn trẻ, nếu không có việc làm thì không có cuộc sống".
Chang đã leo lên vị trí điều hành tại TI, nhưng lại cảm thấy con đường đi chệch hướng. Ông muốn TI tập trung vào chất bán dẫn nhưng công ty lại muốn tiếp tục bán các sản phẩm tiêu dùng. Năm 1983, sau khi chấp nhận rằng mình sẽ không được thăng chức và công ty cũng sẽ không đặt cược vào một thị trường mà ông tin là tương lai, ông đã rời Texas Instruments.
Gần như ngay lập tức, ông được nhà sản xuất điện tử General Instrument thuê làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Tuy nhiên không lâu sau đó, ông nhận ra rằng mình đã phạm phải một sai lầm lớn. Chang nói: "Tôi là một người không phù hợp – hoàn toàn không phù hợp. Sau một năm, ông cũng nghỉ việc ở General Instrument".
Khi ấy, ông đã bước sang tuổi 54 và không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Năm 1982, Chang nhận được lời mời làm việc hấp dẫn, trở thành chủ tịch viện công nghệ hàng đầu Đài Loan và biến hoạt động nghiên cứu thành lợi nhuận.
Lúc đó, Chang biết rằng ông không còn hứng thú với Texas Instruments nữa. Nhưng quyền chọn cổ phiếu của ông không được chấp thuận nên ông đã từ chối lời mời đến Đài Loan. "Tôi vẫn chưa thấy sự đảm bảo về mặt tài chính".
Tình thế của Chang đã thay đổi ba năm sau đó. Ông đã thực hiện quyền chọn mua cổ phiếu trị giá vài triệu USD và mua trái phiếu được miễn thuế với số tiền đủ để ông được đảm bảo về mặt tài chính theo mức sống của mình. Sau khi đạt được mục tiêu đó, ông sẵn sàng theo đuổi mục tiêu khác.
SỰ RA ĐỜI CỦA 1 CÔNG TY VĨ ĐẠI
Morris Chang đã có 30 năm kinh nghiệm trong ngành khi quyết định rời đi và chuyển đến một lục địa khác. Ông biết nhiều về chất bán dẫn hơn bất kỳ ai trên trái đất. Ngay khi bắt đầu công việc tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp, ông nói: "Người sếp khi ấy cảm thấy tôi nên thành lập một công ty bán dẫn ở Đài Loan. Và đó chính là sự khởi đầu của TSMC".
Chang cho biết ý tưởng đằng sau TSMC cũng là kết quả của triết lý cá nhân mà ông đã phát triển trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. "Trở thành đối tác của khách hàng", ông nói. Nguyên tắc sáng lập từ năm 1987 là nền tảng của hoạt động kinh doanh của công ty cho đến ngày nay, như TSMC cho biết chìa khóa thành công của họ luôn tạo điều kiện cho sự thành công của khách hàng.
Hàng trăm khách hàng của TSMC ngày nay bao gồm Apple và Nvidia, những công ty duy nhất có giá trị cao hơn công ty mà Chang thành lập. TSMC sản xuất chip trong iPhone, iPad và máy tính Mac cho Apple, hãng tạo ra 1/4 doanh thu ròng của TSMC.
Nếu bộ vi xử lý đầu tiên của Intel có khoảng 2.000 bóng bán dẫn thì 1 con chip Nvidia mới nhất có hơn 200 tỷ bóng bán dẫn. Để tạo ra các bản sao giống hệt nhau của một con chip cho iPhone đòi hỏi một nhà máy TSMC phải sản xuất hơn một triệu tỷ bóng bán dẫn — tức là một triệu nghìn tỷ — cứ sau vài tháng. Miller viết: Trong một năm, toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn sản xuất ra "nhiều bóng bán dẫn hơn tổng số lượng hàng hóa được sản xuất bởi tất cả các công ty khác, trong tất cả các ngành công nghiệp khác, trong toàn bộ lịch sử loài người".
"Cơn đói" chip đã khiến TSMC trở nên giá trị hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gần gấp bốn lần và khoảng 0,5% cổ phần TSMC mà Chang sở hữu hiện trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
"Theo tôi, mức độ thành công cao nhất vào năm 1985 là xây dựng được một công ty vĩ đại. Mức độ thành công thấp hơn ít nhất là làm được điều gì đó mà tôi thích làm và tôi muốn làm. Và tôi tình cờ đạt được mức độ thành công cao nhất mà tôi nghĩ đến".
Khi được hỏi ông nghĩ thế nào về thành công khi giờ đây ông đã xây dựng được một công ty vĩ đại, vị giám đốc điều hành đã nghỉ hưu có vẻ nhẹ nhõm vì ông không phải nghĩ về điều đó nữa. "Tôi đã hoàn thành rồi!"
Theo: WSJ