Theo Kết quả Khảo sát xã hội chung hàng năm do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia (NORC), thực hiện, số người Mỹ cho biết họ "rất hạnh phúc" đã giảm từ 25% năm 2018 xuống 19% năm 2022.
Tiến sĩ Emiliana Simon Thomas, một trong những nhà nghiên cứu về hạnh phúc, đồng thời là giám đốc khoa học của Trung tâm Greater Good tại Đại học California, Berkeley, chỉ ra những sự thật bạn cần hiểu về hạnh phúc để có thể hạnh phúc thật sự.
Hạnh phúc là gì? Theo tiến sĩ Emiliana, hạnh phúc là đặc điểm chung của cuộc đời một con người, là trạng thái dễ chịu bạn đạt được khi mọi việc diễn ra tốt đẹp.
Mọi người đều có thể học cách để sống hạnh phúc
Trái với quan điểm truyền thống rằng mỗi người sinh ra một số phận, có người luôn hạnh phúc, có người "số khổ", tiến sĩ Emiliana khẳng định mọi người đều có thể học cách để trở nên hạnh phúc.
Nhiều tiền chưa chắc đã hạnh phúc
Đa phần chúng ta cho rằng người giàu hạnh phúc hơn người nghèo. Đúng là có nhiều tiền hơn, ở một mức độ nhất định, có thể tạo ra hạnh phúc. Khi thu nhập tăng lên, bạn có cuộc sống tự chủ và ổn định hơn, hạnh phúc cũng tăng lên.
Tuy nhiên, đến một thời điểm, tiền không còn tạo ra sự khác biệt nữa. Giả sử 130.000 USD là đủ để cung cấp tất cả những gì bạn thích, đó là số tiền đủ để tạo nên sự khác biệt cho hạnh phúc của bạn. Một khi thu nhập của bạn tăng cao hơn tác động là rất nhỏ, trừ phi bạn ưu tiên thời gian, tiền bạc của mình cho những thứ cơ bản về sức khỏe.
Nghiên cứu của Emiliana chỉ ra, điều làm tăng hạnh phúc là đầu tư vào các mối quan hệ của bạn như dành thời gian cho những người thân yêu, làm quen với đồng nghiệp và bạn bè, trò chuyện tự nhiên với những người bạn chưa từng gặp. Những loại hoạt động, hành động và ưu tiên ủng hộ xã hội sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hạnh phúc trong suốt cuộc đời của bạn.
Hạnh phúc không có nghĩa là lúc nào cũng vui vẻ
Hạnh phúc có nghĩa là bạn cảm thấy tốt khi mọi việc diễn ra tốt đẹp nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ luôn phải cảm thấy thoải mái khi đọc các thông tin về bất công xã hội hoặc khi bạn gặp rắc rối nào đó về sức khỏe.
Những cảm xúc khó chịu là cần thiết trong việc định hình quyết định của chúng ta về việc phải làm trong bất kỳ thời điểm nào, tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta đang ở. Cố gắng kìm nén, tránh né hoặc ngăn cản chúng là một phương hại cho hạnh phúc trong cuộc sống.
Nói cách khác, khả năng phục hồi có vai trò quan trọng đối với hạnh phúc. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần phải làm thế nào để có thể quản lý những thất bại và những khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Chấp nhận những cảm xúc khó chịu của mình, đồng thời xác định và gọi tên chúng theo cách cho phép chúng ta sử dụng xu hướng hành động giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt nhất, giúp ích cho bản thân thay vì làm tổn thương chính mình bởi sự nghĩ ngợi, thù địch, so sánh.
Kết nối xã hội rất quan trọng với hạnh phúc
Nhà nghiên cứu David Sbarra và James A. Coan từng nghiên cứu các con đường thần kinh trong não khi mọi người làm nhiệm vụ một mình hoặc với người khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, làm việc một mình tạo ra cảm giác cô độc. Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận, sự tiếp xúc xã hội là một nguồn tài nguyên hành vi sinh học. Có nghĩa là, nếu không có sự kết nối xã hội, chúng ta sẽ thiếu nguồn lực cơ bản để tồn tại. Suy nghĩ về cách mang lại sự trung thực, xác thực, hỗ trợ, công nhận, lòng trắc ẩn, tình yêu giúp bạn có xu hướng làm tăng hạnh phúc của chính mình.
Sống tích cực sẽ hạnh phúc hơn
Sống tích cực có nghĩa là tìm ra cách bạn có thể tận hưởng những trải nghiệm thú vị và ưu tiên những trải nghiệm thực sự mang lại niềm vui đích thực và lâu dài. Lưu ý rằng sự tích cực không phải là tiêu thụ những trải nghiệm sang trọng và "đắt cắt cổ".
(Theo Fatherly)