Protein (chất đạm) là dưỡng chất thiết yếu cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, đốt năng lượng, tan mỡ nhanh hơn, cơ bắp phát triển tốt. Người thiếu hụt protein sẽ không đạt được cân nặng phù hợp và không đủ sức khỏe để tập thể thao cường độ cao, tập gym... Khi đó, cơ thể phải lấy năng lượng dự trữ gây tổn hại đến sức khỏe, mất cơ, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng khác như tim. Tuy nhiên, tiêu thụ protein không đúng cách có thể gây áp lực lên thận, dẫn đến các vấn đề như mất nước, sỏi thận hoặc suy thận mạn tính.
ThS.BS.CKII Hà Tuấn Hùng, Phó khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số sai lầm khi ăn đạm có thể âm thầm tạo gánh nặng lên thận.
Tiêu thụ quá nhiều protein từ động vật
Ăn quá nhiều thịt giàu protein trong thời gian dài có thể khiến thận phải xử lý nitơ dư thừa, dẫn đến mất nước, tiểu nhiều và tăng nguy cơ sỏi thận. Chế độ ăn nhiều đạm động vật nhưng ít rau còn dễ gây táo bón do thiếu chất xơ.
Theo Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ (ACSM), mọi người nên duy trì chế độ ăn cân bằng, tránh lạm dụng protein. Tiêu thụ khoảng 0,5-0,8 g protein cho mỗi 0,45 kg cân nặng (tức khoảng 75-120 g/ngày với người nặng 68 kg). Tuy nhiên, nếu nguồn protein chủ yếu từ thịt, cần hạn chế lượng ăn. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị chỉ nên ăn tối đa 155 g thịt nạc/ngày, 4-5 bữa/tuần, đồng thời hạn chế thịt đỏ, chất béo bão hòa, natri và đường.
Nguồn cung cấp protein kém chất lượng
Nạp protein từ các nguồn đạm kém chất lượng như thịt chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp hay chứa nhiều chất bảo quản không chỉ làm tăng nguy cơ dư thừa natri mà còn gây áp lực lên thận. Những thực phẩm này thường chứa hàm lượng muối và chất phụ gia cao khiến thận phải hoạt động quá tải để lọc thải. Đặc biệt, thịt chế biến có hàm lượng protein cao, nếu không kiểm soát hợp lý có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, nhất là ở người có tiền sử bệnh thận hoặc đang được bác sĩ yêu cầu theo dõi lượng protein nạp vào cơ thể.
AHA khuyến nghị ưu tiên các nguồn protein lành mạnh, ít qua chế biến như cá, thịt trắng, các loại hạt và đậu. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 155 g thịt nạc/ngày và 4-5 bữa thịt nạc/tuần. Những thực phẩm này cung cấp protein chất lượng cao, ít chất béo bão hòa và natri hơn so với các thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp hay thịt đỏ.
Thiếu cân đối lượng và chất
Cơ thể mỗi người chỉ hấp thụ hiệu quả khoảng 20-25 g protein mỗi bữa, do đó, khi nạp quá nhiều protein thì phần dư thừa sẽ bị chuyển hóa hoặc đào thải, có thể làm tăng gánh lọc cho thận. Bác sĩ Hùng khuyên nên nạp đủ lượng protein cần thiết, dễ hấp thụ như trứng, ức gà, cá hồi, sữa chua Hy Lạp kết hợp cân bằng cả nguồn protein thực vật.

Nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, chế độ ăn bao gồm cả protein từ thực vật thay vì chỉ đạm động vật. Ảnh: Lam Anh
Không cân đối với các nhóm chất khác
Chế độ ăn mất cân bằng protein và các nhóm chất khác không chỉ tạo áp lực cho thận mà còn ảnh hưởng đến cân bằng nội môi của cơ thể. Theo bác sĩ Hùng, khi ăn quá nhiều protein mà thiếu chất bột đường (carbonhydrate) và chất béo, cơ thể buộc phải sử dụng protein làm năng lượng. Quá trình này sinh ra nhiều chất chuyển hóa có hại như ure, khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để lọc và đào thải, lâu dài có thể làm suy giảm chức năng thận.
Ăn thiếu rau và thực phẩm chứa chất xơ có thể dẫn đến vấn đề tiêu hóa, táo bón, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Thiếu chất xơ có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường... kéo dài gây rối loạn chuyển hóa, hậu quả là tổn thương thận mạn tính. Để đảm bảo cơ thể hoạt động tối ưu, nên duy trì tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp đa dạng nguồn thực phẩm và bổ sung đủ nước mỗi ngày.
Uống ít nước
Khi nạp nhiều protein, cơ thể sản sinh nhiều chất thải như ure, axit uric... đòi hỏi gan và thận hoạt động mạnh hơn để đào thải. Nếu không uống đủ nước, thận dễ quá tải, làm tăng nguy cơ mất nước, sỏi thận, rối loạn điện giải và suy giảm chức năng thận. Chế độ ăn giàu protein nhưng thiếu nước có thể làm trầm trọng hơn tình trạng suy thận ở người bệnh thận mạn tính và tiềm ẩn nguy cơ phát triển bệnh thận ở người khỏe mạnh.
Mọi người nên uống đủ nước mỗi ngày, tự kiểm tra màu sắc nước tiểu có màu vàng nhạt, trong. Thông thường lượng nước tiêu thụ khoảng 2-3 lít mỗi ngày, người vận động nhiều hoặc đang giảm cân có thể cần nhiều nước hơn.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |