ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Lam bị vô kinh thứ phát, tức không có kinh nguyệt 3-6 tháng trở lên, do rối loạn chức năng vùng dưới đồi (một cấu trúc nhỏ nằm ở dưới đồi não). Vùng này kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt thông qua việc tiết ra hormone GnRH, kích hoạt chuỗi phản ứng nội tiết liên quan đến rụng trứng. Chị Lam không có bệnh lý thực thể nhưng bị rối loạn chức năng do làm việc căng thẳng kéo dài, ngủ không đủ giấc và ăn uống thất thường.
Vô kinh do rối loạn chức năng vùng dưới đồi chiếm khoảng 1/3 số trường hợp gây vô kinh thứ phát. Việt Nam chưa có thống kê chính thức, song trước đây bệnh ít gặp, nay có xu hướng gia tăng, nhất là ở nhóm phụ nữ văn phòng do cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, theo bác sĩ Tâm.
Nguyên nhân vô kinh đa dạng có thể do rối loạn tuyến yên, buồng trứng, tử cung hoặc âm đạo. Vô kinh thứ phát bởi rối loạn chức năng vùng dưới đồi do ăn uống không đủ chất, bỏ bữa, dinh dưỡng kém. Tập thể dục quá nhiều, căng thẳng về cảm xúc hoặc tâm lý, lượng mỡ trong cơ thể thấp, mắc chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần cũng là yếu tố thúc đẩy. Tình trạng này gây ra triệu chứng khác như trầm cảm, lo lắng quá mức, khó ngủ, mệt mỏi, đói, khô âm đạo hoặc giảm ham muốn tình dục, rụng tóc, đau đầu.

Bác sĩ Thanh Tâm khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Điều trị bệnh cần tập trung vào giải quyết nguyên nhân trực tiếp. Phần lớn phụ nữ cần thay đổi lối sống. Một số trường hợp có thể điều trị bằng hormone, thuốc tránh thai, thuốc điều hòa kinh nguyệt. Vô kinh do rối loạn chức năng vùng dưới đồi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, trường hợp như chị Lam có thể phục hồi hoàn toàn nếu điều trị đúng hướng.
Bác sĩ tư vấn chị Lam giảm căng thẳng, ăn uống điều độ, kết hợp tập yoga, chỉ định thuốc tránh thai dạng uống giúp điều hòa kinh nguyệt. Sau hai tháng điều trị, kinh nguyệt trở lại, sức khỏe của chị ổn định hơn.
Ngoài chậm kinh do mang thai, tình trạng này là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh phụ khoa như buồng trứng đa nang, dính buồng tử cung, bệnh liên quan hệ nội tiết như nhược giáp, suy giáp, cường giáp... hoặc sử dụng thuốc.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |