Kinh doanh

Chiến tuyến taxi công nghệ rực lửa: Xanh SM cắm cờ trên pháo đài từng thuộc về Grab

Trong nhiều thập niên, taxi truyền thống đã từng là biểu tượng cho dịch vụ vận tải cá nhân đô thị tại Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây, vai trò ấy đang bị thay thế nhanh chóng bởi các nền tảng công nghệ.

Bước sang quý I/2025, thị trường taxi ô tô tại Việt Nam ghi nhận một cục diện cạnh tranh quyết liệt hơn bao giờ hết, được định hình bởi cuộc đua song mã giữa hai thế lực: Xanh SM – đại diện cho tham vọng điện hoá ngành taxi, và GrabTaxi – gã khổng lồ Đông Nam Á đã bén rễ tại Việt Nam hơn một thập kỷ.

Đây không còn là cuộc cạnh tranh đơn thuần về dịch vụ vận chuyển, mà là cuộc đối đầu về hệ sinh thái, công nghệ, dữ liệu người dùng và năng lực bám rễ vào hạ tầng đô thị hiện đại.

 

Theo Mordor Intelligence, thị trường taxi chở khách tại Việt Nam đang chứng kiến sự thống trị của phân khúc gọi xe công nghệ, chiếm 59,37% thị phần tính đến quý I/2025. 

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng và sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Giá trị thị trường trong quý I ước tính đạt 305,54 triệu USD với 113,23 triệu chuyến đi.

Với 39,85% thị phần, Xanh SM vượt Grab (35,57%) để trở thành tay chơi dẫn đầu thị trường taxi ô tô tại Việt Nam trong quý I. Dù mới tham gia thị trường từ năm 2023, công ty do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập, đã thể hiện màn bứt tốc đáng kể. Đây là kết quả của chiến lược tích hợp toàn diện từ sản xuất xe (VinFast), hạ tầng sạc, dịch vụ vận hành đến đầu tư vào trải nghiệm người dùng.

Chiến dịch triển khai hệ thống giám sát an toàn S2S (Secure to Safe) của Xanh SM – sử dụng AI, camera thông minh và nút khẩn cấp – tạo ra ưu thế về chất lượng dịch vụ, một “giá trị cộng thêm”. Điều này quan trọng trong bối cảnh nhóm khách hàng nữ, người già và gia đình ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm người dùng taxi công nghệ.

Hãng cũng đã ra mắt dịch vụ đi chung xe liên tỉnh Xanh SM Interprovincial. Xanh SM không chỉ hoạt động tại Việt Nam với gần 100.000 xe tại 56/63 tỉnh thành mà còn mở rộng sang Lào và Indonesia.

Không dừng lại ở đó, việc G7 Taxi đặt mua gần 900 xe điện VinFast VF5 cho thấy Xanh SM đang âm thầm “thu phục” cả thị trường taxi truyền thống – biến đối thủ thành đối tác, thông qua việc cung ứng phương tiện điện và giải pháp vận hành.

Bãi đỗ xe Xanh SM taxi tại Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Từng là kẻ tiên phong và nắm độc quyền trong giai đoạn đầu của thị trường gọi xe, Grab giờ đây đang phải đối mặt với sức ép chưa từng có. Dù vẫn giữ vững vị trí số hai với 35,57% thị phần, Grab đang bị áp sát không chỉ bởi Xanh SM mà còn bởi các nhân tố mới như Be, Tada, Indrive – những kẻ sẵn sàng chơi “khác luật” và linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, Grab không đứng yên. Với hơn 50% các chuyến đi đặt trước đến sân bay (riêng Tân Sơn Nhất chiếm trên 35%), tính năng Pre-booking đang giúp Grab củng cố tệp khách hàng thường xuyên và có khả năng chi tiêu cao – nhóm khách đang trở thành “tài sản quý” trong giai đoạn cạnh tranh đốt tiền đã dần hạ nhiệt.

Vấn đề là Grab chưa tạo ra được một bước nhảy lớn về sản phẩm. Trong khi Xanh SM liên tục đổi mới trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ bản địa hóa và xe điện, thì Grab vẫn đang dựa vào nền tảng cũ và chưa có đột phá nào đáng kể về mặt dịch vụ lõi. Đây là điểm yếu mang tính chiến lược.

Một nền tảng công nghệ Việt khác là BE Group nắm giữ 5,58% thị phần doanh thu taxi công nghệ tại Việt Nam. 

 

Vinasun, Mai Linh, và một vài cái tên khác vẫn còn đó, nhưng vị thế đang dần mờ nhạt. Việc quỹ đầu tư Tael Two Partners thoái vốn khỏi Vinasun là tín hiệu rõ ràng: giới tài chính không còn kỳ vọng lớn vào mô hình taxi truyền thống nếu không có sự lột xác công nghệ.

Mai Linh - một trong những hãng taxi truyền thống lâu đời, chiếm 4,63% thị phần doanh thu thị trường gọi xe taxi công nghệ tại Việt Nam. Con số này ở Vinasun là 2,36% thị phần. Các hãng khác chiếm khoảng 12,02% thị phần còn lại.

Dù vậy, không phải tất cả đều đi xuống. Một số doanh nghiệp, như G7, đã bắt đầu hành trình “điện hóa” đội xe – một nước cờ mang tính sinh tồn khi mà xe xăng không chỉ tốn chi phí vận hành cao mà còn chịu áp lực ngày càng lớn từ chính sách kiểm soát khí thải và người dùng trẻ yêu thích công nghệ.

 

Báo cáo cho thấy xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) vẫn chiếm ưu thế (58,26% doanh thu, 63,68% số chuyến đi). Tuy nhiên, nhóm xe điện và hybrid đã vươn lên nhanh chóng (41,74% doanh thu) và sẽ còn bứt tốc khi các doanh nghiệp như VinFast, Haima, và G7 Taxi đều tập trung vào phân khúc này.

Song song đó, tỷ lệ người dùng Internet (88,38 triệu), smartphone, và ví điện tử (dự kiến 50 triệu vào cuối 2024) khiến môi trường sử dụng dịch vụ số trở nên chín muồi. Đây là nền tảng giúp các nền tảng gọi xe không chỉ cạnh tranh bằng giá – mà còn bằng dữ liệu, tiện ích và mức độ tích hợp trong đời sống đô thị.

Thời gian qua, thị trường chứng kiến những sự thay đổi “đáng ngạc nhiên” của nhiều ông lớn taxi truyền thống. Mai Linh đã bắt tay Xanh SM trong liên doanh MeKong Xanh SM nhằm thành lập mạng lưới 99 xưởng sửa chữa ô tô trên toàn quốc, phục vụ cả xe xăng và xe điện.

Mai Linh cũng đã ký thỏa thuận mua 3.999 xe điện từ VinFast và hợp tác với Philips International Group của Hàn Quốc để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, bao gồm kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất xe điện liên doanh tại Việt Nam.

Vinasun công bố kế hoạch đầu tư khoảng 630-650 tỷ đồng để mua 700 xe hybrid, chủ yếu là các mẫu xe của Toyota, nhằm giảm chi phí nhiên liệu và hỗ trợ các mục tiêu bền vững về môi trường.

Haima Motor, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đã giới thiệu mẫu xe điện BEV 7X-E cho thị trường taxi Việt Nam, ban đầu phục vụ tại các sân bay ở Hà Nội và TP HCM. Hay BE Group hợp tác với VinFast và Cake by VPBank để hỗ trợ tài xế chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

 

Cuộc đua giành thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam hiện nay không còn là chuyện “ai có nhiều xe hơn”, mà là cuộc chiến về ai nắm giữ người dùng lâu hơn, ai tạo ra trải nghiệm tốt hơn, và ai tích hợp sâu hơn vào hạ tầng công nghệ – xã hội – môi trường đô thị.

Trong bối cảnh này, Xanh SM tỏ ra vượt trội về tính tích hợp hệ sinh thái, còn Grab vẫn chiếm ưu thế về độ phủ và sự quen thuộc thương hiệu. Các doanh nghiệp còn lại – nếu không chuyển mình nhanh chóng, có thể sẽ biến mất khỏi bản đồ cạnh tranh chỉ sau vài năm tới.

Cơ hội cho người tiêu dùng là có: mức giá cạnh tranh hơn, dịch vụ ngày càng cá nhân hóa hơn, và đặc biệt – một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn. Nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp? Chỉ còn lại cho những kẻ biết xé rào, phá thế cũ và dám xây luật chơi mới.

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày hội “Giấc Mơ Lọ Lem” tại Cần Thơ thu hút hơn 2000 người tham dự

Ngày 10/5 vừa qua, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ tổ chức Ngày hội Giấc Mơ Lọ Lem tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, mang đến sân chơi ý nghĩa dành cho các em nhỏ, gia đình và người dân địa phương.

Không còn tàu hàng nào từ Trung Quốc cập cảng California: Báo động đỏ cho thương mại Mỹ

Lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, không có một con tàu chở hàng nào rời Trung Quốc đến các cảng lớn nhất bờ Tây nước Mỹ trong vòng 12 tiếng. Sự gián đoạn bất thường này là hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về nguồn cung hàng hóa, giá cả và hoạt động kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.