Lãnh đạo doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) đã đầu tư hơn 5 năm ở Việt Nam nhưng không tìm được nhà cung ứng Việt Nam - Ảnh: TIẾN THẮNG
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Online tại trụ sở công ty đặt ở Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, ông Li Jin Wang, tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eva Hải Phòng (Hong Kong - Trung Quốc), cho biết hai khách hàng Fujifilm và Kyocera đều là những bạn hàng lâu năm của Eva trong vài chục năm qua.
Mỏi mắt tìm nhà cung ứng Việt: Thua về giá
Tuy vậy, do tác động của chiến tranh thương mại và nhu cầu khách hàng, nhà máy được đầu tư ở Trung Quốc đã được hai đối tác này chuyển sang Việt Nam, nên kéo theo sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng.
Với vai trò là nhà cung cấp trung gian, gia công và lắp ráp một phần sản phẩm để chuyển cho khách hàng, Eva Hải Phòng sản xuất những thiết bị, linh kiện cho máy in, photocopy để lắp ráp thành cụm.
Do vậy, dù nhu cầu linh kiện và nguyên liệu cho sản xuất là rất lớn, nhưng để tìm được nhà cung ứng nội địa lại không phải dễ dàng.
"Có khó khăn là kỹ thuật của nhà cung cấp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, số lượng và chất lượng. Chúng tôi có tìm hiểu, trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam để đánh giá về khả năng sản xuất, thiết bị, vận hành, nhưng khi xem báo giá thì cao hơn từ 5-10% so với sản phẩm cùng loại. Sản phẩm có thể tốt nhưng giá cả lại không đáp ứng được yêu cầu" - ông Wang nói.
Dẫn chứng câu chuyện, ban đầu khi tìm kiếm nhà cung cấp bao bì ở Hải Dương và sau đó phát triển ra Bắc Ninh, điều đáng ngạc nhiên là cùng một sản phẩm nhưng nhà cung ứng Bắc Ninh có giá rẻ hơn tới 30%.
Trong khi đó, các sản phẩm khuôn mẫu, linh kiện ở Việt Nam bị hạn chế năng lực thiết kế, không làm chủ được công nghệ khuôn mẫu, quy mô sản lượng còn thấp nên càng khó giảm giá thành.
Ông nói, điều này là hoàn toàn khác với Trung Quốc khi doanh nghiệp luôn chú trọng gia tăng sản lượng để giảm giá thành, gia tăng lợi nhuận.
Vị chủ doanh nghiệp người Trung Quốc cũng nhìn nhận, do có khó khăn về ngôn ngữ nên không thể tìm hiểu thông tin được đầy đủ. Trong khi việc mua nguyên vật liệu từ các nhà cung ứng chủ yếu dựa vào bộ phận mua hàng, nên không thể tìm hiểu một cách hệ thống các doanh nghiệp cung ứng ở Hải Phòng hay các tỉnh lân cận.
Thiếu thông tin kết nối với doanh nghiệp, mong chính quyền hỗ trợ
Ông nói đã 5 năm đầu tư, nhưng chưa được chính quyền các cấp thông tin về danh sách nhà cung cấp để tìm hiểu cơ hội hợp tác, phát triển nhà cung ứng nội địa, kết nối và giới thiệu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, nên dù có chiến lược mở rộng nội địa hóa nhưng vẫn khó khăn.
Theo ông Wang, điều này cũng khác với Trung Quốc khi đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa. Đơn cử như chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ nhà ở cho công nhân để đến làm việc ở những khu công nghiệp, hỗ trợ làm giấy tờ, thủ tục lưu trú như hộ khẩu, gắn với tổ chức trường đào tạo kỹ thuật.
Với doanh nghiệp, nước này sẽ hỗ trợ miễn giảm nhiều loại thuế, đặc biệt là thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Bày tỏ hy vọng Chính phủ và địa phương tổ chức triển lãm, kết nối để doanh nghiệp nội địa giới thiệu sản phẩm, giúp cho các bên tìm hiểu nhau, song ông Wang mong muốn người Việt Nam - đặc biệt là nhân viên kỹ thuật - cần chủ động học hỏi và trau dồi ngoại ngữ để hiệu quả làm việc được cao hơn .
"Có vấn đề là quản lý người Việt Nam chưa đủ năng lực giúp đỡ nhà cung cấp, nên hầu hết vẫn là các chuyên gia Trung Quốc đảm nhận việc này. Vì vậy chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nhân lực, đào tạo nhân viên ưu tú" - ông Wang chia sẻ.
Mời tham gia diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ"
Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo thời cơ chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý phải vượt lên. Để tăng nội lực của ngành công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tiềm lực của đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".
Kính mời các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ kinh nghiệm phát triển, những vướng mắc cần tháo gỡ và các đề xuất.
Tuổi Trẻ cũng rất mong nhận được bài vở phân tích, chia sẻ trải nghiệm kèm những sáng kiến từ chính những người làm trong ngành công nghiệp, quý bạn đọc, chuyên gia nhằm thúc đẩy "xã hội sản xuất", giúp phát triển nền công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].