Hà Nội là địa phương có đông thí sinh dự thi nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa thành phố sẽ dẫn đầu về điểm trung bình cả 9 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Năm nay, Hà Nội xếp thứ 25, ổn định như năm 2021. Trong 5 năm gần đây, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội so với toàn quốc xếp thứ hạng lần lượt như sau: Năm 2022 (thứ 25), năm 2021 (thứ 25), năm 2020 (thứ 23), năm 2019 (thứ 25), năm 2018 (thứ 24).
Tuy nhiên, nếu so điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT của Hà Nội cách đây 5 năm sẽ thấy thứ hạng có sự thay đổi theo chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2017, 2016, Hà Nội lần lượt xếp thứ hạng 17 và 19. Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, Hà Nội giảm thứ hạng khá nhiều ở giai đoạn trước dù là địa phương đông thí sinh dự thi nhất và có chất lượng giáo dục tốt hơn so với các địa phương khác. Chưa kể, môn Sinh học, Hoá học, Hà Nội còn lọt top 10 địa phương có điểm trung bình môn thấp nhất.
Cô Đặng Hồng Hạnh, hiện là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, trường THPT Đan Phượng (Hà Nội). Với 25 năm trong nghề, cô Hồng Hạnh đã thẳng thắn chia sẻ lý do việc điểm thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội không lọt top 10 toàn quốc do 5 năm trở lại đây, xu hướng học tập và cách thức xét tuyển Đại học có nhiều đổi mới.
Cô Đặng Hồng Hạnh – giáo viên bộ môn Tiếng Anh, trường THPT Đan Phượng (Hà Nội).
Học sinh đổ xô học IELTS, TOEIC – Không biết nên vui hay buồn?
Cô Hồng Hạnh chia sẻ: "Cách đây 5 năm, vào năm 2017, 2016, Hà Nội xếp thứ 17 và 19 nhưng càng về sau lại càng sụt giảm thứ hạng. Nguyên nhân lớn nhất là do học sinh chỉ tập trung làm bài thi chuẩn hóa như: IELTS, TOEIC, SAT, TOEFL iBT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với mục đích đi du học hoặc chắc suất vào Đại học mà bỏ qua các môn khác.
Nếu như trước đây, rất ít học sinh thi chứng chỉ IELTS, TOEIC thì giờ đây, các lớp ôn luyện tại trung tâm hay các khóa học online nở rộ, mọc lên như nấm. Ở trung tâm thành phố Hà Nội, có những lớp gần như 100% học sinh đi thi IELTS để dùng kết quả nộp hồ sơ xin học bổng du học. Ngay như trường tôi dạy chỉ là một ngôi trường làng, cũng không phải trường chuyên nhưng những năm gần đây đã mở lớp luyện thi IELTS. Năm vừa qua, trường có 2 lớp luyện thi IELTS cho học sinh có nhu cầu.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT của Hà Nội sụt giảm so với 5 năm trước là các em đã có định hướng công việc rõ ràng ngay từ lớp 12. Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Những em năng lực học tập chưa tốt, cảm thấy bản thân học lên cao không phù hợp có thể đi xuất khẩu lao động hoặc đi học nghề. Vì vậy dẫn đến tình trạng điểm thi không còn cao như trước, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tôi thấy xu hướng học nghề sau tốt nghiệp THPT có tính thực tế cao, rất hợp lý".
Cô Hồng Hạnh cho rằng, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT vài năm gần đây giảm nhiều do học sinh đổ xô đi thi chứng chỉ Tiếng Anh.
Còn theo cô Nguyễn Huyền, giáo viên tại một trường THPT tại Hà Nội cho biết: "Học sinh chủ yếu học những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học, còn các môn xét tốt nghiệp thì hầu như các em không quan tâm lắm. Chính điều này đã kéo điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT xuống thấp".
Năm 2022 vừa qua, Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về số lượng điểm 10 các môn (389/5560), là địa phương có nhiều thủ khoa nhất cả nước. Trong 5 tổ hợp khối thi truyền thống (A, B, C, D, A1) có 3 thủ khoa đến từ Hà Nội. Nhưng ở chiều ngược lại, Hà Nội lại là địa phương có nhiều điểm liệt nhất. Theo thống kê từ dữ liệu, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 127 bài thi bị điểm liệt (điểm 1 trở xuống), cao nhất cả nước. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội đứng đầu về số bài thi bị điểm liệt.
Trước số liệu trên, cô Hồng Hạnh bày tỏ quan ngại trước tình trạng học sinh đang học lệch, học không đồng đều. "Những năm gần đây, học sinh học cực lệch, chỉ chú trọng môn khối xét tốt nghiệp mà bỏ bê các môn còn lại. Ngoài ra, nhiều em chỉ chú trọng học tiếng Anh mà không quan tâm đến các môn khác, kể cả là Toán, Ngữ văn. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, học tốt Tiếng Anh mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp nhưng việc học sinh đổ xô luyện thi chứng chỉ Tiếng Anh thì không biết nên vui hay nên buồn vì dẫn đến nhiều hệ lụy".
Về vấn đề điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội không cao, chia sẻ trên báo Tiền Phong, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, những địa phương như Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh lâu nay vốn được coi là “đất học”. Điều này có nghĩa, cả gia đình, nhà trường, xã hội đều tập trung thời gian, nguồn lực cho con cái được học tập tốt nhất trong môi trường giáo dục ổn định.
Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nhưng địa bàn rộng lớn, đông học sinh nhưng chất lượng học tập không đồng đều giữa các vùng, các nhà trường. Nếu nói về sự quan tâm của cha mẹ học sinh, Hà Nội có một tỉ lệ nhất định đầu tư rất lớn cho giáo dục, còn nhiều em có gia đình khó khăn hoặc phụ huynh bận làm ăn nên chưa thật sự quan tâm.
Còn thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hoá học, Trung tâm HOCMAI Hà Nội lại cho rằng, lý do Hà Nội xếp thứ hạng thấp điểm trung bình các môn thi do chênh lệch trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao còn lớn. Các quận trung tâm có chất lượng giáo dục tốt hơn hẳn so với ngoại thành (bằng chứng là điểm chuẩn đầu vào lớp 10). Nếu tính riêng điểm trung bình các quận trung tâm thì rất cao nhưng khu vực ngoại thành lại rất thấp.
Ngoài ra, lý giải về việc Hoá học, Sinh học, Hà Nội lọt top 10 địa phương có điểm thi trung bình thấp nhất toàn quốc, thầy Ngọc nói rằng: "Sở dĩ có thực tế này là vì hơn chục năm liền, địa phương này tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ bằng 2 môn Toán và Ngữ văn. Điều này dẫn đến, trong một thời gian dài, học sinh THCS sẽ xem nhẹ tất cả các môn, tập trung học 2 môn thi. Khi vào THPT, giáo viên “kêu trời” vì học sinh “mất gốc” các môn khác".
Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài khiến học sinh phải học online, Hà Nội cũng chỉ có thể cho thi môn Sử (là môn xã hội, có tính chất học thuộc) hoặc chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Anh dẫn đến tình trạng điểm thi thấp.
"IELTS không phải thứ quyết định tất cả, chúng ta cần một nền tảng kiến thức toàn diện"
Cô Hồng Hạnh chia sẻ, việc học sinh đổ xô đi học IELTS, TOEIC phân thành 2 luồng. Luồng đầu tiên là nhóm học sinh dùng bài thi chuẩn hóa để xét hồ sơ đi du học. Những em này không chỉ dùng IELTS, TOEIC mà còn xét tuyển trên nhiều tiêu chí khác như: GPA (điểm trung bình môn qua các năm học), bài luận, hoạt động ngoại khóa, vòng phỏng vấn gắt gao. Vì vậy, chắc chắc các em định hướng đi du học sẽ có năng lực toàn diện, học đều các môn, không thể kéo điểm thi trung bình xuống thấp.
Luồng thứ 2 là các em chỉ dùng chứng chỉ Tiếng Anh để xét Đại học, bỏ bê các môn khác, dẫn đến tình trạng học lệch. "Khi lên Đại học không chỉ học mỗi Tiếng Anh mà còn phải học nhiều môn khác. Nếu bỏ bê các môn ngay từ cấp 3 sẽ dẫn đến tình trạng mất gốc kiến thức. Vì thế, dù có đỗ Đại học thì quá trình học tập sau đó cũng rất vất vả. Hơn nữa, sau này ra ngoài xã hội, IELTS, TOEIC đâu phải là thứ quyết định tất cả, chúng ta cần phải có kiến thức toàn diện cùng các kỹ năng mềm khác", cô Hồng Hạnh bày tỏ.
Sau cùng, cô Hồng Hạnh đưa ra lời khuyên đến học sinh nên học đều các môn, dù các môn đó không để xét vào Đại học. Việc này giúp học sinh tránh rơi vào tình trạng "đỗ Đại học nhưng trượt tốt nghiệp". Bên cạnh đó, các trường Đại học cũng chỉ nên dùng chứng chỉ IELTS làm tiêu chí phụ, chứ không nên để tuyển thẳng vào Đại học.
Ngoài ra, cô Hồng Hạnh cũng chia sẻ, điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT chỉ mang tính chất tương đối, chưa phản ánh chính xác được chất lượng giáo dục. Vì khi đi thi còn có nhiều yếu tố tác động như: Sự may rủi, tâm lý, việc học sinh học lệch, yếu tố vùng miền,…
Ảnh: NVCC