Đây là một trong những biện pháp được Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành, nhằm buộc các trường hợp cá nhân liên quan, nghiêm túc chấp hành.
Cụ thể là ông Lê Quang Sơn - người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp này đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khoản nợ gần 392 triệu đồng.
Tiếp đó là ông Nguyễn Văn Học, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Sông Thao - đơn vị chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khoản nợ gần 3 tỷ đồng. Trường hợp thứ ba là ông Đinh Trường Chinh, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc với khoản nợ thuế hơn 17,4 tỷ đồng.
Đứng thứ 4 trong danh sách là ông Nguyễn Hách, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư dệt may Vĩnh Phúc - thuộc trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khoản nợ gần 25,4 tỷ đồng. Trường hợp thứ 5 là ông Lê Văn Minh, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Du lịch và thương mại xanh với khoản nợ thuế gần 1,6 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Vĩnh Phúc, các thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên được áp dụng kể từ ngày ký thông báo đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm sáng 17/11, các doanh nghiệp nêu trên vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế ngân sách Nhà nước đối với khoản nợ của đơn vị.
Trước đó, ngày 31/8/2023, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã công khai bảng danh sách đơn vị "chây ỳ" thanh toán thuế và khoản thu khác thuộc ngân sách, tính đến thời điểm ngày 30/7/2023.
Cả 5 trường hợp người đại diện doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên cũng nằm trong bảng danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.
Tương tự, từ tháng 7/2023 Cục Thuế Vĩnh Phúc đã công khai danh sách hàng loạt đơn vị nợ thuế lớn, kéo dài trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền nợ thuế đến tháng 6/2023 là gần 156 tỷ đồng. Các đơn vị nợ thuế được Cục Thuế Vĩnh Phúc đưa vào danh sách cùng đợt này gồm 34 doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp đứng đầu bảng nợ thuế đợt này đều là những đơn vị đã được nhắc đến nhiều lần trong các thông báo công khai của ngành thuế. Thế nhưng việc giải quyết, xử lý nợ thuế với các doanh nghiệp này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thăng Long (Doanh nghiệp chuyển trụ sở từ Hà Nội về và hiện ở đường Lý Bôn, Phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên) nợ hơn 21,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bá Hiến (Tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) hơn 17 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Tiến Mạnh Lai Châu (Tổ 19, đường Hoàng Văn Thái, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) nợ hơn 11,4 tỷ đồng...
Để thu thuế và khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hiệu quả, thời gian tới ngành thuế Vĩnh Phúc tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đúng, đủ, kịp thời hạn; tiếp tục công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế, đồng thời cưỡng chế, phong tỏa tài khoản; cưỡng chế, ngưng sử dụng hóa đơn...
Việc "nêu tên và "mạnh tay" xử lý của Cục Thuế Vĩnh Phúc đối với các doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, đã mang lại hiệu quả cao, được dư luận đồng tình ủng hộ...