Trong tham luận về chủ đề Phục hồi thị trường lao động y tế: Thực trạng và giải pháp gửi đến Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, khai mạc sáng 18-9, Bộ Y tế đã đề cập tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cùng làn sóng chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư nhân.
Nhân viên y tế BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tất bật chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ảnh: HOÀNG LAN
50% nhân lực nghỉ việc ở tuyến tỉnh, TP
Bộ Y tế cho biết, nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch từ các cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt sau hơn hai năm phòng chống dịch COVID-19.
Báo cáo của các tỉnh, TP và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược sĩ, 2.280 viên chức khác).
Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các sở Y tế các tỉnh, TP và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
“Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, TP (4.477/8.810) và ít hơn ở tuyến huyện, tuyến xã; có ở tất cả chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng” - Bộ Y tế nêu.
Theo Bộ Y tế, một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị đóng trên địa bàn TP.HCM và các TP lớn như: ĐH Y Dược TP.HCM (134 người), BV Thống Nhất (86 người), BV Trung ương Huế (63 người), BV Bạch Mai (60 người), BV đa khoa Trung ương Quảng Nam (59 người), BV Chợ Rẫy (48 người).
“Nhân viên y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc ở tất cả chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng, chủ yếu chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập làm việc”.
Bốn nguyên nhân chính
Về lý do dẫn đến việc 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, theo Bộ Y tế có bốn nguyên nhân:
Điều dưỡng Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1 luôn tay lo cho bệnh nhân. Ảnh: H.LAN
Thứ nhất, do áp lực công việc cao. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
“Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế” - Bộ Y tế cho hay.
Thứ hai, do thu nhập thấp. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng cho rằng do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
“Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc, tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn” - Bộ Y tế nhận định.
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy trong 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, TP xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác. Một số tỉnh, TP có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM (2.035 người), TP Hà Nội (1.032 người), Đồng Nai (496 người), Bình Dương (368 người), An Giang (297 người), Long An (266 người), TP Đà Nẵng (248 người), TP Cần Thơ (238 người), Đồng Tháp (204 người). |
Thứ ba, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.
“Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường, kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn” - báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Thứ tư, do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Các cán bộ, viên chức y tế cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...
Thu nhập ngoài công lập cao gấp 3-6 lần Theo Bộ Y tế, với quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học sáu năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao hơn gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập. Bốn giải pháp ổn định và phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập Bộ Y tế cho biết trong giai đoạn hiện nay Bộ Y tế đã và đang thực hiện một số giải pháp để góp phần ổn định, phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập, trong đó xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40%-70% lên mức 100%. Chế độ phụ cấp chống dịch (phụ cấp thường trực chống dịch và phụ cấp trực tiếp chống dịch COVID-19). Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác... |