
(Ảnh minh họa: Hải Quân).
Tại diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" diễn ra sáng 9/4, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá, thể chế là vấn đề hàng đầu tác động đến nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường bất động sản.
Theo vị này, trên thị trường bất động sản thì người mua nhà là người yếu thế, trừ những người mua bất động sản siêu sang. Khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư thì đã trả những luật về đúng vị trí của nó. Ví dụ như Luật Đất đai thì không nói về kinh doanh bất động sản, khi nào nói về luật nào liên quan sẽ dẫn chiếu đến luật kia.
Ông Châu cho biết, trước kia, theo luật cũ, TP HCM có 86 dự án không thể triển khai được liên quan đến 57.000 căn nhà. Doanh nghiệp bị chôn vốn và gặp rất nhiều khó khăn. Hiện đã có Nghị quyết 171 thì các dự án dần được tháo gỡ.
Đến nay, TP HCM đã nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với 1.913 ha, mỗi dự án có 830 căn nhà thì 343 dự án sẽ có một lượng nhà ở ra thị trường rất lớn. Dự kiến sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường trong vòng 3 - 10 năm tới.
"Việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại sẽ kéo theo 35 ngành kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua nghị quyết đặc thù chỉ để giải quyết 64 dự án cho ba địa phương.
Tuy nhiên, hiện trên cả nước có khoảng hơn 1.500 dự án đang vướng mắc tồn đọng. Vì vậy, chúng tôi mong Chính phủ không chỉ áp dụng Nghị quyết 170 cho dự án của ba địa phương là TP HCM, Khánh Hoà và Đà Nẵng, mà còn cho tất cả các địa phương có dự án tương tự", Chủ tịch HoREA nói.