Người dân tham quan và mua trang sức tại Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam (VIJF) hôm nay - Ảnh: A.H.
Thông tin trên được bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tại buổi khai mạc Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam (VIJF) lần thứ 29 ngày hôm nay, 10-11.
Theo bà Thắng, Công ty SJC trong những năm qua, mặc dù gặp những khó khăn ban đầu khi chuyển qua kinh doanh trang sức, nhưng SJC đã từng bước ổn định, doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng qua các năm, trừ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty SJC, cho biết hội chợ VIJF năm nay với quy mô 150 gian hàng, dự kiến chào đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Bên cạnh các thương hiệu trang sức trong nước như SJC, DOJI, Thế Giới Kim Cương, Lộc Phúc… còn có các thương hiệu trang sức uy tín khác đến từ Ý, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.
Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ từ ngày 10-11 đến ngày 14-11. Hiện đang vào mùa cuối năm cũng là mùa cưới, do vậy nhu cầu tiêu thụ trang sức tăng cao.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt trong quý 3-2022 đạt 12 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 3,3 tấn. Nhu cầu trang sức cũng tăng 290% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích về sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ vàng so với cùng kỳ năm trước, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết việc các hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường và sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam là nguyên nhân góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt. Thay vì cắt giảm lương và nhân lực, các công ty đang quay trở lại hoạt động tối đa công suất.
Cũng theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý 3-2022 đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, ngang với mức trước đại dịch COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ vàng được thúc đẩy bởi người tiêu dùng và cả các ngân hàng trung ương, mặc dù nhu cầu đầu tư đã có sự sụt giảm.