Trong tuần từ 21/8 - 25/8, có 25 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 là 23/8 với tỷ lệ 7% bằng tiền (700 đồng/cp). Nguồn chi trả là từ lợi nhuận sau thuế năm 2022. Ngày chi trả cổ tức dự kiến là 27/9.
Với 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, BSR dự kiến sẽ chi gần 2.170 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – công ty mẹ chi phối hơn 92% cổ phần tại BSR sẽ thu về gần 2.000 tỷ đồng.
Năm ngoái, BSR ghi nhận mức lãi kỷ lục với 15.586 tỷ đồng trước thuế, nộp ngân sách nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng nhờ hưởng chênh lệch giá dầu thô với sản phẩm (crack spread).
Tính đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của BSR là 14.836 tỷ đồng, trong đó công ty chi 2.170 tỷ đồng trả cổ tức, 4.450 tỷ đồng dự kiến trích quỹ đầu tư phát triển và hơn 7.881 tỷ đồng là lợi nhuận giữ lại.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4, lần đầu tiên BSR tri ân cổ đông bằng 1 triệu đồng voucher đổ xăng tại PV OIL.
Hiện tại, BSR đang có kế hoạch niêm yết trên HOSE với 8/9 điều kiện đã được thỏa mãn. Điều kiện còn lại đang thực hiện và công ty kỳ vọng sẽ sớm được chấp thuận để có thể niêm yết vào quý IV/2023.
Ngày 24/8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022 của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) tỷ lệ 2% (200 đồng/cp). Với hơn 1,03 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính PV OIL sẽ chi hơn 206,8 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán vào ngày 22/9.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nắm giữ 80,52% vốn điều lệ sẽ nhận về hơn 166,56 tỷ đồng cổ tức; tổ chức SK Energy Co., Ltd sở hữu hơn 54,1 triệu cổ phiếu sẽ nhận về hơn 10,8 tỷ đồng.
CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) thông báo ngày 24/8 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền, tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/8. Ngày thanh toán dự kiến là 7/9.
Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 357 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, Công ty TNHH MTV TM Thành Phát nhận về 56 tỷ đồng cổ tức nhờ sở hữu gần 56 triệu cổ phiếu QNS, chiếm tỷ lệ 15,56% vốn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông Đường Quảng Ngãi đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%. Như vậy, công ty phải thanh toán cổ tức còn lại với tỷ lệ 5%.
CTCP FPT (Mã: FPT) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 10% tiền mặt (1.000 đồng/cp) với ngày đăng ký cuối cùng là 25/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/8.
Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang niêm yết, ước tính tập đoàn FPT sẽ chi 1.100 tỷ đồng trả cổ tức. Thời gian thanh toán ngày 12/9. Trong đó với việc nắm giữ hơn 6% vốn điều lệ, Chủ tịch Trương Gia Bình sẽ nhận về khoảng 66 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2023, FPT dự kiến mức cổ tức là 20% bằng tiền.
Trước đó vào ngày 13/7, FPT đã chi 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại của năm 2022 với tỷ lệ 10%. Đồng thời, FPT còn phát hành 165,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20:3 (sở hữu 20 cổ phiếu được nhận về 3 cổ phiếu mới). Giá trị phát hành theo mệnh giá 1.656 tỷ đồng.
Ngoài ra trong tuần tới, CTCP Container Việt Nam (Viconship – Mã: VSC) thông báo 22/8 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/8.
Với việc phát hành hơn 12,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của công ty sẽ tăng từ 121,2 triệu lên 133,3 triệu cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 20% (10% bằng tiền, 10% bằng cổ phiếu). Trước đó, vào tháng 10/2022, Viconship đã trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp).