CTCP Gemadept (Mã: GMD) thông báo ngày 16/7 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 22% (1 cổ phiếu nhận 2.200 đồng). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/7.
Với hơn 310 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 682 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 16/8.
Gemadept là đơn vị có truyền thống trả cổ tức bằng tiền mặt, năm 2022 là 20%. Năm 2021 và 2020 công ty cùng trả cổ tức với tỷ lệ 12%. Còn năm 2019 cổ đông công ty nhận được 1.000 đồng/cp.
Cổ đông CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online – Mã: FOC) chuẩn bị nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 19/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/7. Ngày thanh toán dự kiến là 31/7.
Với hơn 18,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty phải chi gần 37 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, CTCP Viễn thông FPT (Mã: FOX) sẽ nhận 21 tỷ đồng khi nắm giữ 56,51% vốn góp. Tập đoàn FPT (Mã: FPT) sở hữu 23,86% vốn góp nhận về 9 tỷ đồng.
Kể từ khi niêm yết, FPT Online thường xuyên trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao, đỉnh điểm vào năm 2020 là 200%. Sau đó tỷ lệ cổ tức giảm dần, năm 2021 là 80%, năm 2022 là 50%.
Tuần tới, CTCP Long Hậu (Mã: LHG) cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức cao. Cụ thể, công ty chốt ngày 18/7 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bằng tiền năm 2023, tỷ lệ 19% (1 cổ phiếu nhận 1.900 đồng).
Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Long Hậu cần chi 95 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, Công ty TNHH Một thành Viễn Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) có thể bỏ túi 46 tỷ đồng do sở hữu 48,67% vốn.
Long Hậu được thành lập năm 2006, có trụ sở tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp và cho thuê nhà xưởng xây sẵn.
Long Hậu hiện vận hành 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 370 ha tại Long An, có vị trí ngay cạnh TP HCM và cảng Hiệp Phước. Ngoài ra, công ty còn sở hữu hơn 132.000 m2 nhà xưởng xây sẵn tại Long An, khu công nghệ cao tại Đà Nẵng và đang tiếp tục mở rộng.
Đối với các doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu trong tuần tới, tỷ lệ cổ tức cao nhất thuộc về CTCP Điện nước Lắp máy Hải Phòng (Mã: DNC).
Theo đó, công ty dự kiến phát hành thêm 1,6 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:25 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền nhận 25 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 64 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.
Điện nước lắp máy Hải Phòng được thành lập năm 1992 tiền thân là Đội điện nước lắp máy có nhiệm vụ lắp đặt điện nước cho các công trình.
Điện nước lắp máy Hải Phòng hiện quản lý hơn 60.000 khách hàng bao gồm cả khách hàng sử dụng điện và sử dụng nước, trong đó có 17 xã tại 3 huyện An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo và gần 20 khu đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 16/7 để thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 và năm 2023 bằng cổ phiếu, với tổng tỷ lệ 20%.
Theo đó, công ty sẽ phát hành hơn 45,5 triệu cổ phiếu và qua đó nâng vốn điều lệ từ mức 2.276 tỷ đồng lên trên 2.730 tỷ đồng.