Vẫn phong thái tự tin sẵn có của vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm, ngực trái đeo huy hiệu FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đặt câu hỏi cho toàn bộ đại biểu tham dự diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 mới đây: “Làm thế nào để Việt Nam chiến thắng Covid-19 sớm nhất? Làm thế nào để sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong mọi hoàn cảnh dịch bệnh?”
Đây cũng là câu hỏi lớn không chỉ với những thành viên tại diễn đàn này mà còn với bất kỳ người làm kinh doanh nào trong suốt 2 năm qua tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2021, 50% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, gần 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn, học sinh nhiều nơi phải học trực tuyến, hàng triệu người không đủ tiền sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn.
“Covid-19 buộc chúng ta vào cuộc chiến sinh tử”, ông Trương Gia Bình khẳng định. Theo Chủ tịch FPT, "muốn thắng Covid-19 chỉ có cách hành động nhanh hơn Covid, vì vậy không thể thắng Covid mà không chuyển đổi số chống Covid".
Ông cho rằng chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh "là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025" cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng địa phương và của cả quốc gia.
“Nguy cơ càng lớn, thách thức càng to. Vượt qua thách thức càng to, thành công càng lớn. Bằng công nghệ, Việt Nam sẽ chiến thắng Covid, trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế, một địa điểm hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài", chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định.
Chính bản thân FPT trong 2 năm qua đã chứng minh cho lời nói này khi liên tục gặt hái thành công lớn trong mảng chuyển đổi số, cũng là điểm sáng cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rõ về sức mạnh của chuyển đổi số và đã cho triển khai quyết liệt tại Quảng Ninh. Thủ tướng từng nói với tôi 'muốn giảm biên chế phải sử dụng chính phủ điện tử'. Khi có nhiều đơn hàng, thực hiện nhiều dự án dồn dập một lúc, không cẩn thận, có thể ảnh hưởng tới chất lượng, giảm uy tín của doanh nghiệp”, Chủ tịch Trương Gia Bình vừa vui mừng vừa lo lắng bày tỏ trong Đại hội cổ đông FPT hồi tháng 4. Năm 2021 FPT được giao nhiều trọng trách chuyển đổi số cho bộ máy hành chính Nhà nước tại các địa phương.
Ngay từ tháng 1, hệ thống thông tin quản lý ngành Y tế tỉnh Đồng Tháp được triển khai xây dựng bởi FPT chính thức vận hành. Từ nền tảng kết nối này, Sở Y tế Đồng Tháp cũng đăng tải ứng dụng Y tế Đồng Tháp dành riêng cho người dân. Theo đó người dân có thể thao tác đặt hẹn khám theo giờ ngay trên nền tảng ứng dụng này mà không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khi sử dụng dịch vụ Y tế tại địa phương.
Đến tháng 4, tại Tuần lễ Chuyển đổi số 2021 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, FPT hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số với địa phương này với 4 trụ cột chính.
Trong tháng 5, FPT ký thỏa thuận với 2 địa phương gồm Bình Định và Khánh Hòa. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cùng Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận Lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Duyên hải miền Trung và trung tâm AI hàng đầu khu vực.
Còn Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cùng Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận Lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025.
Thông tin từ FPT cho biết tập đoàn này hiện đang đồng hành với khoảng 40 tỉnh thành về chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, cải thiện chỉ số cạnh tranh, chỉ số chuyển đổi số DTI và năng lực đổi mới, sáng tạo tại địa phương.
Sang đến tháng 7 khi dịch bùng phát mạnh tại Tp. Hồ Chí Minh, FPT gấp rút triển khai hạ tầng và thiết bị CNTT cho Bệnh viện dã chiến tại Thủ Đức. Tập đoàn này còn được giao nhiệm vụ đồng hành cùng Quận 7, TP HCM chống dịch bằng chuyển đổi số. Cụ thể, FPT đã giúp địa phương dùng AI để giao tiếp, giải đáp thắc mắc của người dân và chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết.
Không chỉ bận rộn đồng hành cùng các cấp chính quyền, đơn hàng từ các thị trường nước ngoài cũng đổ về dồn dập với FPT. Thông tin từ Gartner dự báo, chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu năm 2022 tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ lên mức 4,3 nghìn tỷ USD. Từ dự báo của Gartner và ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến hồi tháng 2, ban lãnh đạo FPT dự kiến dịch vụ thuê ngoài IT toàn cầu sẽ tăng tốc. Họ kỳ vọng diễn biến hợp đồng ký mới của FPT sẽ tiếp tục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 đã làm tăng mức độ cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư vào CNTT - đặc biệt là chuyển đổi số (DX).
Trong buổi gặp gỡ này, ban lãnh đạo FPT cũng đặt mục tiêu đóng góp doanh thu của DX đạt ít nhất 25%-27% trong năm 2021 so với mức 27% vào năm 2020. Theo FPT, DX đem lại biên lợi nhuận gộp khoảng 55% so với mức khoảng 35% của các dịch vụ xuất khẩu phần mềm truyền thống.
"2020 là một năm lửa thử vàng, đặt ra thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội chưa từng có cho FPT khi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều chuyển đổi số, họ đầu tư trung bình 15 tỷ USD mỗi tuần cho công nghệ thông tin trong Covid-19. Với vị thế công ty dẫn dắt chuyển đổi số, FPT chắc chắn là tâm điểm của xu thế toàn cầu này", CEO FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại đại hội cổ đông hồi tháng 4.
Điều này đã được minh chứng bằng số liệu. Trong năm 2020, do nhu cầu đầu tư chuyển đổi số tăng trưởng mạnh trên phạm vi toàn cầu, doanh thu ký mới của tập đoàn này đạt 13.095 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng có doanh thu trên 500 ngàn USD tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng 38,5% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh chuyển đổi số của FPT ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 31%, từ 2.453 tỷ đồng năm 2019 lên 3.219 tỷ đồng trong năm 2020.
Đây cũng là mảng ghi dấu của FPT trên đấu trường quốc tế khi ký kết nhiều hợp đồng tư vấn chuyển đổi số cho các tập đoàn trên thế giới: hợp đồng 150 triệu USD với 1 hãng ô tô lớn hàng đầu tại Mỹ, hợp đồng 200 triệu USD tư vấn và triển khai DX cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia, trở thành đối tác công nghệ chiến lược của hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật với doanh thu tiềm năng lên tới 120 triệu USD…
Sang đầu năm 2021, FPT chính thức thành lập công ty con thứ 8 là FPT Digital chuyên cung cấp Dịch vụ Tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Cùng thời điểm này tập đoàn của chủ tịch Trương Gia Bình đã giành được hợp đồng mới trị giá 100 triệu USD cho một công ty bảo hiểm ở ASEAN.
Để phục vụ cho việc đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ khách hàng nước ngoài, đầu năm 2021 FPT đã thành lập hai trung tâm triển khai dự án mới tại Ấn Độ và Costa Rica để rút ngắn chênh lệch múi giờ nhằm phục vụ tốt hơn thị trường Mỹ. Ngoài ra, nhờ các trung tâm mới này, FPT có thể giảm bớt nhân viên tại chỗ ở Mỹ, cung cấp dịch vụ 24 giờ một ngày, điều này đặc biệt mang lại lợi ích cho các dịch vụ managed services của công ty, tháo nút thắt cổ chai năng lực offshore ở Việt Nam, và nâng cao năng suất của công ty. FPT kỳ vọng những lợi ích này sẽ bù đắp cho chi phí lao động cao hơn ở Ấn Độ và Costa Rica (cao hơn 20% so với Việt Nam).
Báo cáo mới đây của công ty chứng khoán Bản Việt cho biết giá trị hợp đồng mới của FPT tăng 34% so với trong 9 tháng đầu năm 2021 và hợp đồng trị giá 50 triệu USD mới ký với một công ty bảo hiểm ở châu Á vào quý 4/2021 là những diễn biến gần đây củng cố tiềm năng tăng trưởng của FPT trong mảng kinh doanh chuyển đổi số. Cách đây vài ngày, FPT lại nhận gói hợp đồng chuyển đổi số cho Chính phủ Singapore.
Nếu như trước đây trong lĩnh vực chuyển đổi số, FPT chỉ có những hợp đồng vài trăm nghìn USD, kỳ vọng có ngày lên được các hợp đồng giá trị 5-10 triệu USD, khi Covid ập đến, bất ngờ tập đoàn này có những hợp đồng nhảy lên 150 triệu USD. Theo chủ tịch Trương Gia Bình, trước mỗi hợp đồng chỉ 50 người làm, giờ một hợp đồng cần 1.500 người làm, yêu cầu lãnh đạo dự án phải rất có kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT và ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT đều chia sẻ mối nguy lớn nhất của FPT là thiếu nhân lực. Riêng năm 2021, FPT cần tuyển dụng tới 7.000 người.
Để giải quyết bài toán này, trong năm 2021 FPT thực hiện 2 vụ M&A lớn. Hồi tháng 5, thương vụ M&A của Tập đoàn FPT với startup về phần mềm Base thu hút sự quan tâm của giới công nghệ dù giá trị thương vụ không được tiết lộ. Trong 5 năm, Base phát triển ba ứng dụng để giải quyết ba bài toán lớn gồm tăng hiệu suất, quản trị nhân sự và quản trị thông tin. Startup này hướng tới mục tiêu 800.000 doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Đây cũng là mảng mà FPT còn chưa đẩy mạnh.
Về phía Base, startup này cũng kỳ vọng FPT tạo ra lợi ích lớn cho mình trong hai mảng gồm Product và Sale.
Thương vụ thứ 2 được FPT thực hiện là đầu tư vào Intertec International- một doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm tại châu Mỹ La-tinh nhằm tăng cường khả năng cung ứng giải pháp, dịch vụ công nghệ, chuyển đổi số tại thị trường châu Mỹ.
Theo thỏa thuận đầu tư này, FPT Software có quyền tiếp cận và điều phối nguồn lực tại hai trung tâm dịch vụ của Intertec International ở Costa Rica và Colombia. Hiện Intertec International có khoảng hơn 300 nhân sự nói tiếng Anh và có chuyên môn cao. Dự kiến, con số này sẽ đạt 1.000 người vào cuối 2021.
“Chúng tôi tự hào có 200 triệu phú đô la khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, nhân viên có được cuộc sống ấm no, lái xe công ty cũng có thể cho con đi du học...phần lớn lãnh đạo các công ty công nghệ tại VN xuất thân từ FPT", chủ tịch Trương Gia Bình hào hứng chia sẻ như vậy tại đại hội cổ đông.
Thử nhìn lại lịch sử, FPT chào sàn ngày 13/12/2006 - đúng thời kỳ sốt nóng nhất của chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2006-2007. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 400.000 đồng/cp (điều chỉnh hiện còn khoảng 22.600 đồng)- tương ứng vốn hóa thị trường đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Sau đó, cổ phiếu FPT còn tăng gần 70% lên mức đỉnh 665.000 đồng vào cuối tháng 2/2007 (tương đương giá sau điều chỉnh là 37.500 đồng).
Phải đến tháng 12/2017, tức 11 năm sau khi niêm yết thì FPT mới phá được mức đỉnh cũ này. Từ cuối năm 2018 đến nay, ngoại trừ việc suy giảm chung cùng thị trường trong quý 1/2020 do Covid-19, cổ phiếu FPT nhìn chung ở trong xu hướng đi lên. Giá cổ phiếu của FPT ngày 22/11 đạt mức 100.000 đồng, gấp đôi so với đầu năm.
Cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh cũng khiến các tổ chức lớn liên tục chốt lời. Tháng 1, MACQUANE BANK LIMITED bán 3,3 triệu cổ phiếu FPT. Sang đến tháng 2, quỹ ngoại Norges Bank cũng bán ra 1 triệu cổ phiếu chốt lời khi giá lập đỉnh 78.200 đồng (đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2/2021). Sang đầu tháng 3, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý thông báo không còn là cổ đông lớn tại FPT sau khi các quỹ thành viên bao gồm Amersham Industries Limited, KB Vietnam Focus Balanced Fund đã bán ra gần 3,8 triệu cổ phiếu. Sang đến cuối tháng 5, Nhóm Dragon Capital lại mua ròng gần 2,4 triệu cổ phiếu FPT nhưng đến ngày 15/12, quỹ này lại bán ra lượng cổ phiếu lớn khi cổ phiếu FPT lập đỉnh ở mức 95.900 đồng.
Sau giao dịch trên, các nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đang nắm giữ tổng cộng gần 45,3 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,16% vốn xuống còn 4,99% vốn điều lệ, chính thức rời ghế cổ đông lớn tại FPT.