Nhắc đến nhân sâm là nhắc đến một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chỉ dành cho giới thượng lưu. Nhưng thực tế là có không ít thực phẩm rẻ tiền cũng được chứng minh rằng bổ dưỡng không kém gì các phương thuốc đắt đỏ. Ít ai biết rằng ngay tại Việt Nam cũng có nhiều các loại rau được mệnh danh là bổ ngang nhân sâm.
2 loại rau rẻ tiền được mệnh danh là "nhân sâm tự nhiên"
Đậu bắp
Có một loại rau được mệnh danh là "nhân sâm xanh" hay "vàng thực vật", đó chính là đậu bắp. Ở Trung Quốc hay Nhật Bản, đậu bắp được ca ngợi như một thực phẩm thiên nhiên có giá thành rẻ nhưng lại tốt hơn cả thịt cá.
Theo Đông y, đậu bắp có vị chua, dịu, tính mát có tác dụng giảm đau và làm dịu trong các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Món ăn này khi cắt ra có nước nhờn dính, vị ngọt, mềm.
Theo Aboluowang, chất nhầy do đậu bắp tiết ra có chứa pectin và mucin hòa tan, có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu. Các carotenoid phong phú trong đậu bắp cũng có thể giúp duy trì sự bài tiết và chức năng bình thường của insulin, cân bằng lượng đường trong máu.
Đậu bắp còn chứa pectin, galactan... có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa, điều trị viêm và loét dạ dày, bảo vệ ruột. Chất mucin do đậu bắp tiết ra cũng bảo vệ thành dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị, tăng cảm giác thèm ăn.
Đáng nói, đậu bắp giàu vitamin C và chất xơ hòa tan, không chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe làn da mà còn giúp tăng cường collagen, giảm tác hại của các gốc tự do và bảo vệ da khỏi các tác nhân lão hóa.
Đậu bắp rất giàu protein, canxi, photpho, đồng thời ít béo, ít calo, không chứa cholesterol, vì vậy đậu bắp trở thành thực phẩm giảm cân rất thích hợp cho chị em đang trong quá trình ăn kiêng.
Nhờ chứa chứa vitamin A và β-carotene... mà đậu bắp rất có lợi cho sức khỏe của võng mạc. Thanh niên trong độ tuổi dậy thì cần ăn nhiều đậu bắp để thị lực không bị tổn thương.
Rau má
Một loại rau khác được ca tụng bổ y như "nhân sâm" đó là rau má. Rau má mọc hoang dại khắp nơi đặc biệt là vùng đất ẩm, còn được gọi với cái tên khác là tích thuyết thảo.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, rau má vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu.
Từ rau má, chúng ta có thể sử dụng để điều chế thành nhiều món ăn, bài thuốc sau đây:
1. Nước giải khát bổ dưỡng, nước sinh tố
Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.
2. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt
Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.
3. Chữa bụng xốn xáo, nóng ruột, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, đau bụng dưới, chán ăn
Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem đi sắc uống.
4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa
Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
5. Giải ngộ độc (nấm độc, thạch tín…)
Cách làm: Giã nát 250g rau má và 250g rau muống, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống.
6. Chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…
Cách làm: Lấy 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp đi sao cháy, sắc làm thuốc uống.
7. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt
Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.
8. Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh
Cách làm: Lấy rau má khô, tán bột, uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng.
9. Làm thuốc lợi sữa
Cách làm: Ăn Rau má tươi, hoặc luộc ăn và uống nước.