Thực hành chánh niệm
Thực hành chánh niệm là thực hành suy nghĩ và hành động tập trung vào thời điểm hiện tại. Rebecca Leslie, nhà tâm lý học người Mỹ cho biết, thói quen chánh niệm giúp giảm căng thẳng và lo lắng, là lợi ích to lớn với sức khỏe tổng thể.
Chuyên gia khuyên nên tìm một hoạt động chánh niệm phù hợp với bạn, chẳng hạn thiền hoặc viết nhật ký, để thư giãn trước khi bắt đầu một ngày mới. Bạn có thể thực hành nó một lần mỗi ngày và tăng tần suất khi cần thiết.
Tăng cường vận động hàng ngày
Nhà tâm lý học Nekeshia Hammond cho biết, thay vì đến phòng tập, bạn hãy đầu tư nhiều thời gian vào các hoạt động vận động mình yêu thích như đi bộ, chạy hoặc yoga.
Các hoạt động này giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần bởi việc duy trì hoạt động làm tăng serotonin, một loại "hoóc môn tạo cảm giác dễ chịu" trong não.
Nghỉ ngơi chất lượng
Ngủ đủ giấc mỗi đêm rất quan trọng với não và tâm trạng. Mancao cho biết, cần xây dựng thói quen chăm sóc giấc ngủ bằng cách giảm và hạn chế phiền nhiễu trước khi đi ngủ.
Sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm có thể cản trở giấc ngủ. Nếu thường xuyên lướt mạng xã hội, Mancao đề xuất đặt báo thức trên điện thoại để báo hiệu thời điểm đóng ứng dụng, lý tưởng nhất là 30 phút trước khi đi ngủ.
Uống nhiều nước hơn
Supriya Lal, một chuyên gia dinh dưỡng ở New York cho biết, đủ nước không chỉ giúp điều chỉnh sự thèm ăn mà còn hỗ trợ làn da khỏe mạnh, khả năng miễn dịch, tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể.
"Hầu hết mọi người không uống đủ nước hàng ngày. Để tăng lượng nước uống vào, hãy nghĩ đến mua một chai nước mới hoặc ghi lại thời gian uống nước của bạn", cô nói.
Nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau, nhưng một nguyên tắc chung là nhắm đến ít nhất 2 lít mỗi ngày. Hãy chắc chắn rằng bạn đủ nước bằng cách nhìn vào màu sắc của nước tiểu. Nó phải có màu vàng nhạt.
Đặt ranh giới với phương tiện truyền thông xã hội
Đặt giới hạn lành mạnh cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.
"Vào đầu năm, hãy bắt đầu 'làm sạch' mạng xã hội bằng cách cân nhắc hủy theo dõi tài khoản nào khiến bạn cảm thấy không hài lòng", Leslie nói.
Bạn cũng có thể thử tìm các tài khoản khác nhau truyền cảm hứng và cải thiện tâm trạng của mình, Nasir nói thêm. Ví dụ theo dõi những người có ảnh hưởng đại diện cho kiểu cơ thể của bạn, những người đang làm điều tốt trên thế giới, người có công thức nấu ăn hoặc phong cách hài hước.
Xây dựng thói quen chăm sóc da
Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Zain Husain cho biết, làn da khỏe mạnh bắt đầu bằng một thói quen làm sạch nhất quán nhưng đơn giản. Ông khuyên bạn nên thử dùng sữa rửa mặt dưỡng ẩm, thoa kem chống nắng quanh năm và sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da của bạn.
"Hãy tiếp tục kiểm tra làn da của bạn để xác định xem có nốt ruồi mới, khối u, vết phát ban nào đáng ngờ hoặc có các triệu chứng mới. Nếu bạn nhận thấy điều gì đó, đừng trì hoãn và hãy nhờ bác sĩ da liễu của bạn đánh giá", chuyên gia khuyên
Cam kết thực hành lòng biết ơn
Kristin Meekhof, nhà trị liệu tâm lý cho biết, nhận ra điều mình có thể biết ơn sẽ giúp giảm căng thẳng và lo lắng đáng kể.
Hammond khuyên bạn nên dành chút thời gian mỗi ngày để suy nghĩ về điều gì khiến bạn biết ơn, sau đó viết vào nhật ký. Bạn có thể đọc danh sách bất cứ khi nào bạn cần cải thiện tâm trạng.
Nấu ăn nhiều hơn ở nhà
Ăn uống không nhất thiết phải gắn liền với việc giảm cân. Thay vì đếm lượng calo, hãy tập trung vào việc nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng ở nhà thường xuyên hơn.
Thử nghiệm với các thành phần và công thức nấu ăn khác nhau. Ngoài việc giúp bạn tiết kiệm tiền về lâu dài, nó sẽ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn theo những cách sáng tạo và thú vị, mà chẳng cần ăn kiêng.
Lan tỏa niềm vui cho người khác
Tiến sĩ Neha Chaudhary, giám đốc y tế của một nền tảng sức khỏe tâm thần tại Mỹ khuyên nên làm điều gì đó mỗi ngày hoặc mỗi tuần để mang lại niềm vui cho người khác. ''Khoa học nói rằng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác nghĩa là mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Niềm vui và hạnh phúc rất tốt cho sức khỏe'', chuyên gia nói.
Một thói quen bạn có thể áp dụng là ôm người thân trong ít nhất 20 giây, lặp lại điều này thường xuyên nhất có thể. Chaudhary cho biết, có bằng chứng cho thấy việc ôm lâu như vậy không chỉ giải phóng các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não, mà còn làm giảm các hormone gây căng thẳng trong cơ thể.
(Theo Huffpost)