Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần từ 15-19/8, VN-Index đứng ở mức 1.269,18 điểm, tương ứng tăng 6,85 điểm (0,54%) so với tuần trước. Trong khi đó, HNX-Index giảm 5,48 điểm (-1,81%) xuống 297,94 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 92,78 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 18.224 tỷ đồng, giảm 1,16%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2,24% và đạt 16.386 tỷ đồng.
Các nhóm ngành cổ phiếu có sự phân hóa mạnh trong tuần qua và khiến các chỉ số rơi vào trạng thái giằng co rung lắc. Trong top 10 mã vốn hóa lớn có 17 mã tăng và 13 mã giảm giá. Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm này là SAB của Sabeco ( HoSE: SAB ) với hơn 7%. Tiếp sau đó, VPB của VPBank ( HoSE: VPB ) tăng hơn 4,5%. Động lực tăng của VPB chủ yếu đến từ thông tin NHNN chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua tại Nghị quyết số 10/2022/ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 208/2022/NQ-HĐQT ngày 1/7/2022.
Ở chiều ngược lại, MCH của MasanConsumer ( UPCoM: MCH ) giao dịch tiêu cực nhất nhóm này với mức giảm hơn 3%. Tiếp sau đó, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) và GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) đều giảm trên 2%.
Tăng giá
Đứng đầu mức tăng giá ở sàn HoSE là KPF của Đầu tư Tài chính Hoàng Minh ( HoSE: KPF ) với hơn 38%. Cổ phiếu KPF tăng mạnh với thanh khoản cải thiện đáng kể so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 190.000 đơn vị/phiên, gấp 14 lần tuần trước.
Tiếp sau đó, NHA của Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội ( HoSE: NHA ) tăng hơn 16% chỉ sau một tuần giao dịch.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu CTD của Coteccons ( HoSE: CTD ) gây chú ý khi tăng gần 14% trong tuần giao dịch vừa qua. Việc cổ phiếu CTD tăng giá nhờ thông tin liên quan đến buổi ký kết hợp tác giữa Coteccons và Tập đoàn LEGO. Dù vậy, trên thị trường vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ sự kiện trên.
Tại sàn HNX, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu SCI của SCI E&C ( HNX: SCI ) với hơn 27%. Cổ phiếu SCI tăng giá với thanh khoản gấp 2,4 lần tuần trước đó và ở mức hơn 213.000 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Không có quá nhiều các cổ phiếu thanh khoản cao ở sàn HNX tăng giá mạnh trong tuần từ 15-19/8. Trong danh sách 10 mã tăng giá mạnh nhất sàn này, S99 của SCI ( HNX: S99 ) thanh khoản cao nhất với khối lượng khớp lệnh bình quân gần 545.000 đơn vị/phiên. Trong tuần, S99 tăng 20%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường là CFV của Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) với hơn 93%. Hai cổ phiếu AGE của Môi trường Đô thị An Giang (UPCoM: AGE) và DXL của Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn ( UPCoM: DXL ) cũng đều có mức tăng giá rất mạnh đạt lần lượt 85% và 72%. Tuy nhiên, điểm chung của cả ba cổ phiếu này là thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là HAI của Nông Dược HAI (HoSE: HAI) với 16%. Bên cạnh đó, FLC của Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) cũng giảm trên 12%. Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây đã có thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC và HAI.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Hai cổ phiếu TNC của Cao su Thống Nhất ( HoSE: TNC ) và MCG của Năng lượng và Bất động sản MCG ( HoSE: MCG ) đều có mức giảm trên 15%.
Tại sàn HNX, TTT của Du lịch - Thương Mại Tây Ninh ( HNX: TTT ) giảm giá mạnh nhất với gần 20%. Trong danh sách giảm giá ở sàn HNX có 2 mã thanh khoản cao là HDA của Hãng sơn Đông Á ( HNX: HDA ) và VC2 của Đầu tư và Xây dựng VINA2 ( HNX: VC2 ). Trong đó, HDA giảm 14% còn VC2 giảm hơn 11%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Ở sàn UPCoM, các cổ phiếu giảm giá mạnh đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp. TNP của Cảng Thị Nại ( UPCoM: TNP ) giảm mạnh nhất với gần 38%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.