Loại thịt hạ đường huyết , vùng quê Việt có nhiều mà không biết
Để tránh làm dao động đường huyết, bệnh nhân tiểu đường chủ yếu chỉ ăn rau xanh, ngũ cốc chứ ít khi dám ăn các loại thịt. Tuy nhiên loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi chế độ ăn có thể khiến người bệnh đuối sức, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh. Thực tế là người tiểu đường có thể tiêu thụ được một số loại thịt lành mạnh, điển hình là thịt lươn.
Ở Việt Nam, lươn được ví như một loại "đặc sản", có thể dùng để chế biến thành rất nhiều món ăn thơm nức mũi. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g thịt lươn có chứa 18,7g đạm, 0,9g chất béo, 39g canxi, 1,6mg chất sắt. Đặc biệt, thịt lươn rất giàu vitamin A, thường được xếp trong danh sách 5 món ăn giàu vitamin A nhất.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), thịt lươn trong Đông Y có tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Có công năng chủ trị bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, trị ho do hư lao, tiêu khát hạ lỵ (đái tháo đường, kiết lỵ).
Thịt lươn giàu đạm, vitamin nên nếu hấp cách thủy, không thêm gia vị hoặc nấu thành canh có thể là món ăn hạ đường huyết , thích hợp cho người bệnh đái tháo đường. Người tiểu đường mỗi tuần có thể ăn 1-2 bữa lươn. Liều ăn có thể tham khảo bác sĩ vì còn tùy thuộc vào từng tình trạng sức khỏe.
Một số món ăn/bài thuốc có tác dụng trị bệnh từ lươn
1. Đại bổ khí huyết, trị mệt mất sức, hoa mắt chóng mặt
Cách làm: Dùng 250g lươn bỏ hết nội tạng, cắt từng khúc nhỏ, đem nấu cùng 100g thịt nạc heo, 50g hoàng kỳ, 10 quả đại táo. Sau khi chín dùng canh ăn thịt liền vài ngày để có tác dụng.
2. Chữa trĩ nội ra máu
Cách làm: Đem vài con lươn, làm sạch bỏ nội tạng, thêm tương, rượu, mỗi thứ với lượng vừa phải để chiên, ăn thường xuyên.
3. Trị cảm tích ở trẻ
Cách làm: 3 con lươn băm nhỏ, thêm 10g hương nhu, đem hầm cách thủy, dùng liền trong vài ngày.
4. Trị chứng chân tay yếu
Cách làm: 1 con lươn đem đi hầm cách thủy với 20g rau kim châm, dùng thường xuyên.
5. Trị sa hậu môn
Cách làm: Đầu lươn nướng khô tán bột, dùng uống với rượu vang, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 5g, dùng liền 5-7 ngày.
6. Trị yếu sinh lý
Cách làm: Cho lươn vào xào cùng hành, gừng, thịt bắp, rượu vang, đậy nắp hầm trong giây lát, mở nắp, thêm nước lạnh 700ml. Sau khi sôi, dùng lửa nhỏ hầm 30 phút, làm cho thịt mềm. Cho bột năng vào khuấy chảo cho thịt hơi đặc, khuấy chảo, cho thêm dầu mỡ. Đổ ra bát, món ăn có tác dụng cường dương, trị yếu sinh lý.
Hoặc: Hầm lươn chung với hạt sen, hà thủ ô, nấm mèo hoặc nấm linh chi, có thể cho thêm lá lốt vào ăn kèm.
7. Điều trị cho người thiếu máu, mệt mỏi
Cách làm: Thịt lươn 10g thái nhỏ, nước gừng 10-20ml, gạo vừa đủ, nấu thành cháo. Ăn trong ngày.
8. Trị đái tháo đường
Cách làm: Dùng 200g lươn, 10g bắc sa sâm, 10g bách hợp, thêm gừng và gia vị vừa đủ, đun nhỏ lửa, nấu thành canh, ăn kèm cơm.
3 lưu ý vàng khi ăn thịt lươn
1. Cẩn thận nhiễm ký sinh trùng khi ăn lươn
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, lươn sống trong môi trường sình lầy, hay chui rúc dưới ao bùn, nước đục… Chưa kể lươn còn có thói ăn tạp nên hệ tiêu hóa và cả thịt của lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng.
Cách sơ chế lươn đảm bảo sạch, hết nhớt: Dùng nước vo gạo, rượu hoặc nước cốt chanh để tuốt lươn đến khi nào thấy hết nhớt. Rửa lươn sạch sẽ, moi ruột lươn. Sau đó, nên chế biến chúng bằng cách ninh nhừ, hấp cách thủy, không nên ăn lươn khi chưa chín kỹ.
2. Đừng dại mua lươn đã chết
Không như các loại thực phẩm khác, lươn đã chết thì tuyệt đối không nên mua. Lý do là trong thịt lươn có chứa nhiều protein, hợp chất Histidine. Khi lươn chết, vi khuẩn sẽ biến hợp chất trên thành chất độc Histamine có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc.
3. Sau khi ăn lươn cần tránh thực phẩm tính hàn
Mọi người cần tránh ăn thực phẩm tính hàn như tôm, cua biển, dưa hấu, chuối tiêu… ngay sau khi ăn lươn, chạch vì lươn tính cam ôn, ăn liền nhau có thể gây khó chịu, thậm chí ngộ độc.