Phổi là cơ quan quan trọng đảm nhiệm chức năng hô hấp của cơ thể, quyết định sự sống còn của con người. Do đó, bảo vệ sức khỏe của lá phổi là rất một trong những vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phần lớn, các ca nhiễm COVID-19 chủ yếu có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, dù đã khỏi bệnh thì di chứng hậu COVID vẫn khiến mọi người lo lắng. Để giải đáp những thắc mắc và cung cấp thông tin giúp người bệnh thêm an tâm, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có mặt tại Chương trình Livestream "Di chứng hậu COVID, cùng tìm cách vượt qua".
Bác sĩ Thanh giải đáp thắc mắc trong chương trình
Di chứng hậu COVID-19
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Di chứng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Những di chứng này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Ai là người có nguy cơ chịu di chứng hậu COVID nặng nề nhất?
Theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, người lớn tuổi thuộc nhóm chịu di chứng hậu COVID nặng nề nhất. Bác sĩ cho biết, một người lớn tuổi có trung bình ít nhất từ 1 đến 3 bệnh. Trong đó 50% người lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, 15-20% bị đái tháo đường. Ngoài ra còn có nhiều loại bệnh lý khác như thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...
Với nhiều bệnh nền như vậy, người bệnh phải dùng rất nhiều loại thuốc. Sau khi đã khỏi bệnh, các bệnh lý nền sẽ có nguy cơ trở nặng. Tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như mệt mỏi, chán ăn, sử dụng nhiều thuốc, tâm lý mệt mỏi, lo âu...
Tuy nhiên bác sĩ nhấn mạnh triệu chứng hậu COVID không chỉ nguy hiểm ở người lớn tuổi mà nó cũng xảy ra ở một số người trẻ. Đặc biệt những người có các bệnh lý trước như ung thư, dùng thuốc kéo dài cũng cần lưu ý
Điều đặc biệt là di chứng hậu Covid được biểu hiện ở đa cơ quan. Sau khi đã được xét nghiệm âm tính, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt. Đối với hệ thần kinh, có thể sẽ xảy ra một số tình trạng như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, khó suy nghĩ (hay còn gọi là sương mù não).
Ở da, cơ, người bệnh cũng có nguy cơ gặp phải các vấn đề như đau cơ, đau khớp, cảm giác kiến bò, phát ban. Có rất nhiều trường hợp đã bị đau ngực, khó thở thậm chí là viêm xơ phổi...