Ngày 20/5, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, liên danh chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 tổ chức bốc thăm quyền mua nhà ở xã hội tại Dự án Khu nhà ở xã hội Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngay từ sáng sớm, 1.300 khách hàng đủ điều kiện được tham gia bốc thăm đã có mặt để thực hiện các thủ tục bốc thăm quyền mua 149 căn hộ.
Ghi nhận thực tế tại địa điểm diễn ra buổi bốc thăm khá căng thẳng ngay từ lúc xếp hàng làm thủ tục do số lượng người tham gia bốc thăm quá đông, việc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Không khí càng thêm oi bức, ngột ngạt bởi thời tiết nắng nóng gần 40 độ C.
Đại diện liên danh chủ đầu tư dự án cho biết sau gần 1 tháng rưỡi tiếp nhận hồ sơ, chủ đầu tư đã nhận được 1.500 hồ sơ tham gia mua và thuê căn hộ, nhưng trong buổi bốc thăm hôm nay chỉ có hơn 1.300 người tham gia.
Tổng số căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Trung Văn là 275 căn, diện tích từ 69,9m2 đến 87,9m2 (gồm 157 căn hộ nhà ở xã hội để bán, 68 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê và 50 căn hộ để bán kinh doanh thương mại).
Tuy nhiên, trong buổi bốc thăm ngày 20/5 chỉ có 149 căn bán thuộc diện bốc thăm. Giá bán nhà ở xã hội là 19.523.116 đồng/m2 (đã bao gồm VAT và chưa có chi phí bảo trì). Chi phí bảo trì là 371.869 đồng/m2. Giá cho thuê 99.081 đồng/tháng/m2 (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì). Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý 1/2025. Thời gian ký hợp đồng mua, thuê căn hộ quý 2 và 3 năm nay.
Với tỷ lệ chọi quá cao, nhiều khách hàng mặc dù đã được chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ nhưng vẫn biết rằng cơ hội được mua nhà ở xã hội tại dự án này là quá khó, còn ví như "hái sao trên trời."
Không giấu nổi sự mệt mỏi và nỗi buồn khi bốc thăm trượt quyền mua căn hộ, chị Nguyễn Bích Lan, hộ khẩu thường trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ: "Cả đêm qua vợ chồng tôi không ngủ được gần 6 sáng đã ra khỏi nhà đến địa điểm bốc thăm với hy vọng may mắn sẽ đến với gia đình tôi. Nhưng với số lượng người có nhu cầu quá lớn, mơ ước mua được một căn nhà ở xã hội của vợ chồng tôi đã không thành hiện thực."
Cùng chung tâm trạng như chị Lan, nhiều người cũng đến làm thủ tục bốc thăm từ sáng sớm nhưng vì ngay từ đầu mọi người xác định được việc trúng quyền mua căn hộ là quá thấp nên cũng đỡ hụt hẫng hơn, vì tất cả cũng chỉ biết trông chờ vào vận may.
"Chúng tôi chỉ mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở ngành, doanh nghiệp quan tâm đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội phù hợp với người dân thu nhập thấp để chúng tôi có cơ hội sở hữu nhà ở nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, yên tâm làm việc và lao động," chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bày tỏ.
Trái ngược với sự nản chán của không ít người bốc thăm phải lá phiếu trắng, chị Nguyễn Thị Kim Trâm vô cùng vui mừng khi bốc thăm trúng quyền mua nhà ở. "Đây thực sự là điều quá may mắn đối với gia đình tôi khi có hàng nghìn người không có được cơ hội này. Dự án rất phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu làm việc, học tập của gia đình tôi," chị Nguyễn Thị Kim Trâm chia sẻ niềm vui.
Sức "nóng" về nhu cầu nhà ở xã hội qua việc mở bán Dự án nhà ở xã hội Trung Văn lần này cho thấy nguồn cung về nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thu nhập thấp đang khó khăn về nhà ở. Đây là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi được mở sau nhiều năm Hà Nội không có thêm dự án nhà ở xã hội nào đủ điều kiện khởi công xây dựng.
Đặc biệt, tại thời điểm hiện nay, khi mà giá nhà chung cư được đẩy lên ở mức rất cao ở hầu hết các phân khúc, trong khi cả năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 12.600 căn hộ mới được tung ra thị trường (với 80% là căn hộ hạng B có giá bán sơ cấp trung bình gần 47 triệu đồng mỗi m2), khiến loại hình nhà ở giá rẻ gần 20 triệu đồng/m2 như dự án nhà ở xã hội Trung Văn càng thu hút người dân quan tâm với mong muốn có cơ hội được sở hữu căn hộ phù hợp.
Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết triển khai thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Hà Nội đã có nhiều kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động.
Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội để cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số dự án. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi.
Cụ thể, thành phố dự kiến đạt 4,5 triệu m2 nhà ở riêng lẻ; 2,465 triệu m2 nhà ở theo dự án; 2,339 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Hà Nội sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai; đưa ra chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập và dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Cùng đó, tiếp tục đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư đang triển khai, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách để đưa vào sử dụng.
Thành phố sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư không tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận khẩn trương hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp D và đề xuất danh mục các nhà chung cư có điều kiện thuận lợi và khả thi cho việc triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.