"Một trong những trải nghiệm hình thành nên tôi của hiện tại là xây dựng dịch vụ của mình theo những gì Apple cho phép trên nền tảng của họ", Zuckerberg viết trên blog sau khi công bố mô hình AI nguồn mở Lllama 3.1 ngày 23/7. "Cách họ đánh thuế nhà phát triển, các quy tắc tùy tiện mà họ áp dụng và mọi cải tiến sản phẩm mà họ chặn không cho đưa lên cửa hàng ứng dụng cho thấy Meta và nhiều công ty không thể được giải phóng để xây dựng các phiên bản tốt nhất của sản phẩm".
Zuckerberg nhắc lại việc Meta thiệt hại hơn 10 tỷ USD năm 2021. Khi đó, Apple triển khai tính năng cho phép người dùng iPhone chọn ứng dụng nào được theo dõi hành vi của họ cho mục đích quảng cáo, khiến các ứng dụng như của Meta mất khách hàng và phải điều chỉnh để phù hợp.
"Thật nản lòng khi xây dựng những tính năng bạn tin là tốt cho cộng đồng của mình rồi sau đó nhận thông báo chúng không thể tung ra thị trường vì một số công ty muốn gò ép bạn", Zuckerberg viết.
Ông cho biết sắp tới, các đối thủ cạnh tranh "không thể hạn chế những gì Meta xây dựng" vì công ty đã đầu tư hàng tỷ USD "nhằm đảm bảo sự việc tương tự sẽ không xảy ra nữa". Bước đầu tiên là vũ trụ metaverse với các mẫu kính thực tế ảo và AI mã nguồn mở. "Đây là lý do tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ sinh thái mở trong AI và AR/VR cho thế hệ máy tính tiếp theo", Zuckerberg nói.
Ngày 23/7, Meta giới thiệu Llama 3.1 405B với các phiên bản được đào tạo trên 405 tỷ tham số - lớn nhất hiện nay đối với một mô hình AI nguồn mở, cũng như Llama 3.1 70B và 8B (70 tỷ và 8 tỷ tham số) được cải tiến phục vụ cho các nhu cầu nhỏ hơn. Công ty cũng hợp tác với nhiều công ty để phát triển hệ sinh thái AI, như Amazon, Databricks và Nvidia.
Trả lời YouTuber Rowan Cheung ngày 24/7, Zuckerberg tin mô hình AI nguồn mở sẽ trở thành tiêu chuẩn trong tương lai.
Khác với cách tiếp mở của Meta, Apple nổi tiếng với chiến lược "khu vườn có tường bao quanh". Công ty từng cho biết hướng đi này giúp họ kiểm soát chặt hệ sinh thái của mình, từ đó mang lại trải nghiệm tốt, an toàn và riêng tư cho người dùng.