Đại úy Quân kể lại: “Mình làm ở Đội An ninh, nên suy nghĩ đầu tiên của mình là người nước ngoài tới cơ quan công an chắc nhờ về việc đăng ký lưu trú hoặc hỏi về các quy định của pháp luật về quản lý người nước ngoài. Đây là lĩnh vực chuyên môn của lực lượng an ninh. Tuy nhiên, khi ra tiếp xúc và hỏi thăm lý do thì họ trình bày mong muốn được giúp đỡ để đi tìm người thân”.
Người phụ nữ tên Minh là Việt kiều Mỹ, trình ra thẻ căn cước thời còn ở Việt Nam với thông tin: Phạm Thị Minh, sinh ngày 20/4/1956, tại Lạc Ninh, Bình Long, cha là Phạm Văn Phung; mẹ là Trương Thị Xuân.
Bà cho biết trong 6 người (bà Minh, chồng, con gái, 1 cháu nội và 2 cháu ngoại), thì bà là người duy nhất còn nói được tiếng Việt. Lần đầu tiên sau 47 năm, bà từ Mỹ trở về Việt Nam để tìm người em trai bị thất lạc từ năm 1975 đến nay.
Chuyến này họ đi trong 1 tuần, đã nhập cảnh được 3 ngày, đã tìm ở nhiều nơi tại TPHCM và thị xã Bình Long nhưng không có kết quả. Hôm nay bà và gia đình đến đây để nhờ Công an giúp đỡ. Bà mong mỏi tìm được người em trai thất lạc, vì người thân của bà ở Việt Nam đã mất hết, chỉ còn mỗi người em này.
Tấm ảnh bà Minh chụp với mẹ lúc còn nhỏ là kỷ vật vô giá bà trân trọng, gìn giữ suốt gần nửa thế kỷ để tìm về cội nguồn
Thông tin này được báo ngay lên lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh. Ban chỉ huy đã chỉ đạo Đội An ninh phối hợp với Đội Quản lý hành chính khai thác cơ sở dữ liệu dân cư tại Công an huyện Lộc Ninh đang quản lý, khẩn trương rà soát, tìm kiếm trường hợp này.
Các cán bộ của hai đội An ninh và Cảnh sát quản lý hành chính mà trực tiếp là Đại uý Lê Trung Quân, Đội phó Đội An ninh cùng Trung tá Nguyễn Thị Lan, Đội trưởng và Đại úy Nguyễn Thị Hà Xuyên, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Lộc Ninh tiến hành tra cứu miệt mài trên hệ thống để tìm kiếm thông tin.
Qua tra cứu, hệ thống đã trả lời một loạt họ tên Phạm Văn Dung như cô Minh cung cấp. Loại bỏ dần từng trường hợp khi đến cái tên Phạm Văn Dung, sinh năm 1961, thường trú ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh thì phát hiện cha, mẹ của ông Phạm Văn Dung trùng với họ tên cha mẹ mà bà Minh cung cấp.
Sau khi có thông tin của ông Phạm Văn Dung và địa chỉ thì Đại uý Lê Trung Quân đã liên lạc với gia đình ông Dung, đồng thời báo cho bà Minh biết là có một cái tên trùng khớp với thông tin của bà cung cấp, Công an huyện Lộc Ninh đang liên lạc với người đó và thông báo ngay cho bà khi có kết quả.
Bà Minh tiếp nhận thông tin này cũng nửa tin nửa ngờ. Bà chia sẻ: “Tôi tìm em trai cũng mấy chục năm rồi, từ khi tôi qua Mỹ năm 1975. Qua bên đó tôi vẫn liên lạc về để tìm qua người quen sống ở TPHCM, nhưng vẫn bặt vô âm tín... Tuy không có thông tin nhưng tôi vẫn nuôi một hi vọng là sẽ tìm được người em trai của mình, mặc dù hi vọng rất mong manh”...
Bà còn nghi ngờ hỏi lại: “Tôi đi tìm kiếm lâu lắm rồi, nhờ nhiều người cao tuổi đi nhiều chỗ rồi mà không tìm được! Sao chú Công an còn trẻ mà tìm là có kết quả liền?”.
Sau khi liên lạc với Công an xã để có số điện thoại, Đại uý Lê Trung Quân đã liên lạc với ông Dung, ông cũng bất ngờ và không tin vào tai mình. Ông cho biết: “Có người thân bị thất lạc đã đi kiếm hoài rồi mà không thấy, sao giờ tự nhiên đùng một cái tự nhiên có?”. Ông Dung ngờ vực thông tin giả nên không xuống gặp bà Minh, vì vậy Đại uý Quân phải gọi điện thuyết phục vài lần.
Khi ông Dung xuống tới Công an huyện Lộc Ninh, mặt đối mặt, bà Minh hỏi: “Mẹ tên gì?”, ông Dung trả lời tên của mẹ vừa dứt thì hai chị em òa lên khóc và ôm chặt nhau…
Đại uý Quân chia sẻ trong niềm xúc động: “Cảm giác lúc đó, em cùng với chị Lan và Xuyên là những người chứng kiến hai chị em họ đoàn tụ sau 47 năm thật sự rất xúc động. Em thấy mình đã giúp đỡ được họ thực hiện được ước nguyện lớn nhất của đời người là tìm được người thân. Em cảm thấy rất tự hào, khi lực lượng Công an đã tham gia tra cứu thông tin giúp đỡ được hai chị em họ đoàn tụ. Hình ảnh đó cho tới bây giờ vẫn đọng lại trong em…”.
Trong mấy ngày chị em trùng phùng, ông Dung cố gắng đưa bà Minh đi đến những nơi có rất nhiều kỷ niệm mà chị mình mong muốn. Đó là căn nhà cũ nơi chị em họ đã có thời gian sống bên nhau; ngôi chùa ngày trước mẹ thường ra lễ Phật...
Bữa cơm đoàn viên
Trong 3 ngày còn ở lại Việt Nam, dù vô cùng bận rộn với bao dự định và câu chuyện muốn nói, việc muốn làm sau 47 năm thất lạc nhau, nhưng bà Minh, ông Dung và gia đình đã cố gắng liên hệ với Đại uý Quân để gặp mặt và nói lời cảm ơn tới anh và Công an huyện Lộc Ninh.
Một chút thời gian ngắn ngủi trong quán cà phê buổi sáng trước giờ đi công tác, cả gia đình bà Minh phải nén nước mắt để nói lời cảm ơn đầy cảm động. Họ hẹn anh sang năm cả đại gia đình bà Minh gần 30 người sẽ trở về Việt Nam thăm quê ngoại. Lúc đó, Đại uý Quân và đồng đội phải cùng đến chung vui với gia đình, bởi anh và những cán bộ chiến sỹ Công an huyện Lộc Ninh giờ đã trở thành ân nhân của gia đình họ.
Cả gia đình bà Minh xúc động nói lời cảm ơn Đại uý Lê Trung Quân (áo caro đen trắng) và lực lượng Công an