Thời sự

Xuất khẩu thoát đáy, đáng chú ý xuất khẩu sang Mỹ lên mức cao nhất trong 11 tháng

"Lần đầu tiên May 10 nhận đơn hàng, sản xuất cho các thương hiệu khách hàng ở Thái Lan và Philippines. Tất nhiên lượng đặt hàng khó so sánh được với quy mô của thị trường Mỹ và châu Âu nhưng điều này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường trên toàn cầu", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 nói trong bối cảnh dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước gặp nhiều khó khăn do sức cầu thấp. 

Song song tìm kiếm thị trường mới, đổi mới trong sản phẩm là cách mà Công ty TNHH Kẻ Gỗ xoay xở khi các thị trường lớn giảm sâu, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm các sản phẩm không thiết yếu. Doanh nghiệp này từ sản xuất gỗ ván ép đã chuyển sang sản xuất dao, thìa, nĩa gỗ, tuy nhiên đơn hàng chưa đươc như kỳ vọng. Công ty hy vọng vào cuối năm khi quy định cấm đồ nhựa dùng một lần có hiệu lực, đơn hàng sẽ khởi sắc hơn. 

Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết "nếu không có sự chuẩn bị này, đổi mới trong sản phẩm, thị trường thì khi biến động thị trường xảy ra, doanh nghiệp khó phản ứng kịp".

 

Xuất, nhập khẩu đều trong xu hướng tăng theo tháng 

Câu chuyện của hai doanh nghiệp sản xuất hai ngành hàng chủ lực cũng là câu chuyện chung của các doanh nghiệp khối xuất khẩu đang xoay xở mọi cách trước những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm nay.

Còn nhìn từ số liệu, bức tranh đang dần tươi sáng hơn khi cả xuất, nhập khẩu đều đang trong xu hướng tăng 4 tháng gần đây. 

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 6,87% so với tháng 7. Giá trị xuất khẩu 32,37 tỷ USD cũng là mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây. 

Trong khi đó, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, giảm 8,84% so với cùng kỳ, đây là mức giảm thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây. So với tháng trước, nhập khẩu tăng 5,74%, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023.

Tuy nhiên nếu so sánh với cùng kỳ, xuất nhập khẩu vẫn giảm do mức nền năm ngoái cao. Xét về tốc độ tăng trưởng chưa thể bằng năm ngoái.   

 

 

Xuất khẩu sang Mỹ lên mức cao nhất trong 11 tháng qua

Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), số liệu cho thấy nhiều khả năng xuất khẩu đã thoát đáy.

Hiện Tổng cục Hải quan chưa công bố số liệu xuất khẩu chính thức vào một số đối tác lớn trong tháng 8. Tuy nhiên dữ liệu tháng 7 cho thấy xuất khẩu vào các thị trường trong top 10 như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, đã tăng trưởng dương trở lại so với tháng 7/2022.   

 

Riêng với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, xuất khẩu so với cùng kỳ vẫn tăng trưởng âm. Tuy nhiên trong tháng 7, xuất khẩu sang thị trường này chỉ sụt giảm hơn 13% - thấp nhất trong 5 tháng.

Trong khi đó nếu so sánh với tháng liền trước, tình hình khả quan hơn rất nhiều. Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 7 đạt 8,64 tỷ USD - mức cao nhất trong 11 tháng qua.

 

Cùng với việc một số thị trường chính đã có tín hiệu hồi phục, kết hợp với mức nền thấp những tháng cuối năm 2022, chỉ số PMI lần đầu trên ngưỡng 50 điểm trong 6 tháng, chuyên gia nhận định xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc hơn những tháng tới và có thể trong quý IV tăng trưởng dương trở lại.      

Nhận định lạc quan hơn, Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng xuất khẩu đang trên đà quay trở lại mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước từ quý IV hoặc thậm chí là ngay trong tháng 9 này.

MBKE đề cập đến mặt hàng chủ lực là máy tính và điện tử phục hồi trong tháng thứ hai, tăng 10,8% so với tháng 8/2022 (trước đó tháng 7 tăng 28,4% so với cùng kỳ).   

Điện thoại và linh kiện giảm 14,6% so với một năm trước (tháng 7 tăng nhẹ 0,9%), do mức cơ sở cao, điểm tích cực là lô hàng tăng khoảng 17% so với tháng trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Cùng chung góc nhìn lạc quan, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chạm đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.    

Các công ty Mỹ đã đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho trong suốt năm 2023 - theo như chỉ số ISM và S&P Global PMI. Chỉ số Hàng tồn kho của ISM đã đạt mức thấp nhất trong 9 năm qua vào tháng 6 và tăng nhẹ vào tháng 7 - cho thấy lượng hàng tồn kho đã giảm chạm đáy.

 

Lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng hàng tồn kho đối với các sản phẩm "Made in Vietnam" như hàng điện tử gia dụng và hàng may mặc theo ước tính của VinaCapital là không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, cả Walmart và Target thông báo rằng lượng tồn kho của họ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước - sau các nỗ lực quyết liệt để giảm tồn kho trong suốt năm 2023.

 "Tất cả các nhà xuất khẩu châu Á đều được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ chạm đáy, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất hưởng lợi đáng kể từ việc nhiều nhà máy mới được thành lập", đại diện VinaCapital cho hay.            

Cùng chuyên mục

Đọc thêm