Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cho biết kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng) năm ngoái. Con số trên chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Access Partnership cho biết dữ liệu được tính toán dựa trên số liệu từ cơ quan hải quan, thống kê của Việt Nam và các thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, World Bank.
Dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, đơn vị này dự báo doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm 9%. Đây được gọi là kịch bản "kinh doanh theo thông lệ" (BAU-Business as Usual).
Còn trong kịch bản tốt hơn gọi là "MSME đảm trách", Access Partnership dự báo kim ngạch có thể đạt đến 13 tỷ USD (296.300 tỷ đồng) vào năm 2027. Để có thể đạt được con số này, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) phải đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình so với hiện tại.
"Việt Nam đang ở vị trí ưu thế để gặt hái những lợi ích đáng kể từ tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử", báo cáo nhận xét. Các lợi thế chủ yếu nhờ những hạn chế từ đại dịch giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, môi trường chính sách thuận lợi cho xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Access Partnership cho biết 95% MSME được hỏi kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu B2C qua thương mại điện tử ít nhất 10% mỗi năm trong 5 năm tới.
"Thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số mà chính phủ đề ra", bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) nhận xét tại "Hội nghị Thương mại điện tử Xuyên biên giới" do cục và Amazon Global Selling tổ chức ngày 9/6 tại TP HCM.
Cũng theo bà Việt Anh, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng kỳ vọng kim ngạch của Việt Nam sẽ vượt chục tỷ USD sau 4 năm nữa. Tuy nhiên, để con số này thành hiện thực, doanh nghiệp Việt cần vượt qua 4 rào cản chính về quy định của thị trường nhập khẩu, năng lực cạnh tranh, chi phí (tiếp thị, logistics) và thông tin thị trường.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại, hiện chính phủ đã có một số chính sách như hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng theo Nghị định 80; kích cầu thương mại điện tử xuyên biên giới theo Quyết định 645 hay đề án đào tạo 5.000 doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới để tham gia vào các nền tảng phân phối toàn cầu.
Tuy vậy, theo ghi nhận của Access Partnership, doanh nghiệp vẫn muốn nhận thêm nhiều hỗ trợ hơn nữa. Đơn vị này khuyến nghị Việt Nam tham khảo một số đề án hỗ trợ của chính phủ cho người bán từ các quốc gia khác. Đơn cử như "Thí điểm Toàn diện" (CPZ) của Trung Quốc cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong đó, các CPZ của Hàng Châu đã phát triển hai nền tảng, một nền tảng dịch vụ tích hợp trực tuyến và một nền tảng khu công nghiệp ngoại tuyến, cho phép trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ dọc theo chuỗi giá trị, bao gồm hải quan, cấp vốn và thuế. Các nền tảng này đã giảm thời gian cần thiết để làm thủ tục thông quan và đơn giản hóa quy trình khai báo xuất khẩu cho các MSME.
Đánh giá tình hình xuất khẩu B2C xuyên biên giới 5 tháng đầu năm, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam không chia sẻ số liệu cụ thể nhưng cho biết doanh thu của các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tăng trưởng dương.
"Tốc độ phát triển của xuất khẩu trên Amazon của Việt Nam đang cao nhất thế giới và đang được tập đoàn chú ý. Không nhiều nước xây dựng được mô hình xuất khẩu xuyên biên giới như tại đây", ông nói. Lý do là bởi số lượng nhà bán hàng mới tăng mạnh và nhanh nhạy. Việt Nam lại có thế mạnh năng lực dồi dào.
Năm 2022, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng 80% so với 2021, lên hàng nghìn đơn vị. Điều này giúp giá trị xuất khẩu tăng 45%, với hơn 10 triệu sản phẩm "Made in Vietnam" được bán ra nước ngoài.
"2023 vẫn có những thách thức kinh tế toàn cầu nhưng cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn chờ đợi", ông Gijae Seong nói thêm. Để nắm bắt, ông khuyến nghị doanh nghiệp chú ý 3 khía cạnh gồm: đọc vị thị hiếu khách hàng bằng các công cụ số hóa; từ đó đổi mới sản phẩm để phù hợp nhu cầu; và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm.