Theo đơn vi này, khái niệm làm việc tại nhà; hay "làm việc từ xa" đã quen thuộc với nhiều người từ trước đại dịch, nhất là với giới lao động tự do hoặc dịch vụ thuê ngoài. Nhưng hai năm qua, khái niệm này không còn là xu hướng, mà đã trở thành điều cần thiết và bắt buộc để doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành trong cao điểm dịch. Làn sóng làm việc tại nhà khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc diện tích thuê văn phòng trong dài hạn.
Đến nay, khi người lao động đã dần quay lại làm việc tại văn phòng, một số công ty đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch làm việc linh hoạt dài hạn để nhân viên có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định khi làm việc ở nhà đối với những gia đình có trẻ nhỏ ở nhà hoặc không gian ở hạn chế tại những đô thị lớn, khó có không gian văn phòng dành riêng cho công việc. Giải pháp cho những khó khăn trên đã xuất hiện ở Singapore và Thượng Hải, vốn là hai thị trường nổi tiếng đắt đỏ và thiếu không gian. Không gian thứ ba bên cạnh văn phòng chính và không gian làm việc tại nhà chính là "kén văn phòng".
Kén văn phòng là loại không gian được xây theo từng buồng nhỏ với đầy đủ tiện ích chuyên dụng như điện thoại, Internet bảo mật tốc độ cao, và có thể sử dụng theo giờ hoặc theo gói thời gian. Những buồng nhỏ này có thể ngồi từ 1 đến 4 người, với vị trí nằm trong các trung tâm Thương mại, sàn văn phòng trong tòa nhà lớn, quán cà phê hoặc ngay trong sàn văn phòng coworking. Mục đích của các buồng nhỏ được đặt khắp nơi chính là giúp người sử dụng có thể tự do lựa chọn không gian riêng tư gần nhà, gần khách hàng mà không mất thời gian di chuyển nhiều.
Switch, một công ty của Singapore, đã dẫn đầu thị trường trong việc tạo ra mô hình kén văn phòng này, và họ gọi đó là "nền tảng văn phòng mọi lúc mọi nơi đầu tiên trên thế giới". Người dùng có thể đặt chỗ và trả tiền qua ứng dụng điện thoại. Công ty đã đặt kén văn phòng ở hơn 30 địa điểm, trải dài từ trung tâm thương mại bán lẻ, khách sạn đến sàn văn phòng và không gian coworking. Công ty phát triển bất động sản Shui On ở Thượng Hải cũng đã phát triển một dạng kén văn phòng tương tự trong chính không gian văn phòng họ quản lý. Shui On ghi nhận loại hình không gian này được sử dụng trung bình 4,3 giờ mỗi ngày, bao gồm cả cuối tuần.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ: "Qua trao đổi với các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam, chúng tôi nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư khi thảo luận về mô hình làm việc trong kén văn phòng. Các nhà đầu tư và chủ nhà bất động sản có thể hưởng lợi từ việc bổ sung giải pháp văn phòng vào không gian sẵn có. Ví dụ, một khách sạn có thể chuyển đổi phòng họp lớn thành các buồng văn phòng, khiến chúng chỉ dành cho các thành viên theo cấp chương trình khách hàng thân thiết hoặc với mức chiết khấu cho khách lưu trú. Chủ nhà bán lẻ với nhiều mặt bằng Trung tâm Thương mại, shophouse cũng có thể ứng dụng loại hình kén để lấp đầy các góc chết, diện tích bỏ trống lâu ngày do ảnh hưởng dịch bệnh".
Dịch vụ này cũng mang nhiều khách hàng tiềm năng đến tham quan cũng như sử dụng các tiện ích mua sắm và ăn uống xung quanh ngoài thời gian làm việc. Thậm chí, mô hình này có thể kết hợp với quán cà phê và không gian coworking để cung cấp một không gian có thể mang đến sự riêng tư lẫn thoải mái.