Ngay sau khi có thông báo về lịch nghỉ hè, chị Thanh Thủy, ngụ quận 8 (TP.HCM) đã lên mạng tìm kiếm học kỳ quân đội cho con trai 14 tuổi. "Chỉ cần gõ từ khóa 'học kỳ quân đội' trên Google, hàng loạt kết quả khác nhau được trả về. Sau đó Facebook cũng liên tục quảng cáo các chương trình tương tự, đa dạng mô hình, giá thành", chị Thủy kể.
Sau khi tham khảo nhiều bên, chị chọn được một trung tâm gần nhà với chi phí cạnh tranh, nhiều hoạt động hấp dẫn. Chị Thủy được tư vấn viên hướng dẫn tham gia vào một nhóm chat trên ứng dụng Telegram để hoàn tất các thủ tục ghi danh sớm, nhận ưu đãi.
Để con có thể được chọn các lớp đặc biệt, chị Thủy được đề nghị làm khảo sát từ "đơn vị đồng hành của trại hè". Sau mỗi khảo sát, điểm tín nhiệm của phụ huynh được tăng lên, con em có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Ban đầu các khảo sát chỉ cần vài trăm ngàn đồng thế chân, hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền. Tuy nhiên khi thấy số tiền của những lần khảo sát sau cao hơn, chị Thủy nghi ngờ, yêu cầu hoàn lại tiền cọc thì người tư vấn tiếp tục đưa ra các "ưu đãi riêng", thuyết phục phụ huynh tiếp tục nhiệm vụ.
"Tôi thấy không an tâm nên nói sẽ đến trực tiếp trung tâm để làm khảo sát và đóng tiền nhưng khi tìm đến nơi lại là văn phòng của một công ty khác, hoàn toàn không có trung tâm trại hè như quảng cáo trên Facebook. Sau đó tôi gọi lại người tư vấn để hỏi rõ thì bị chặn liên lạc", chị Thủy kể. Vì số tiền không lớn, chị Thủy không trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên khi trao đổi với các phụ huynh khác, chị phát hiện nhiều người cũng bị mất tiền vào những nhiệm vụ tương tự.
Công an lên tiếng cảnh báo
Trước tình trạng trên, Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo đến người dân về việc xuất hiện tình trạng tội phạm tạo lập các website, trang Facebook giả mạo trường đại học, trung tâm đào tạo, quảng cáo khóa huấn luyện, học kỳ, trại hè quân đội, công an... cho trẻ em.
Kẻ gian thông qua các chương trình này để tiếp cận phụ huynh, dụ dỗ nộp tiền để chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an khuyến cáo người dân nên nâng cao cảnh giác, chỉ đăng ký tham gia và chuyển tiền khi đã tìm hiểu rõ thông tin của đơn vị tổ chức.

Bộ Công an gửi tin nhắn cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo liên quan đến học kỳ quân đội
ẢNH: KHƯƠNG NHA
Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VNeID.
Không chỉ lừa đảo các khóa học liên quan đến trại hè, học kỳ quân đội, thời gian gần đây cơ quan chức năng còn liên tục phát đi cảnh báo về việc các đối tượng xấu lợi dụng thời điểm học sinh chuyển cấp để yêu cầu phụ huynh cập nhật tài khoản định danh điện tử.
Những kẻ này thậm chí đầu tư kịch bản chuyên nghiệp, gọi video trực tiếp, cho thấy nhiều người mặc sắc phục giống công an đang làm việc tại cơ sở để tạo dựng lòng tin. Sau đó chúng hướng dẫn cài ứng dụng "dịch vụ công" giả, từ đó thực hiện tiếp các hành vi chiếm quyền điều khiển, đánh cắp thông tin, tài sản của nạn nhân.
Trong thông báo gửi người dân, công an khu vực của một khu phố trên địa bàn thành phố Thủ Đức cho biết thủ đoạn này đã khiến nhiều người bị mất tiền từ vài triệu đến trăm triệu đồng. Khi nhận được các cuộc gọi, yêu cầu tương tự cần liên hệ ngay với công an khu vực để xác minh, không làm theo hướng dẫn của những người tự xưng là công an, cơ quan chức năng qua điện thoại.