Doanh nghiệp

Xuân Thiện Group áp sát Trungnam Group trong cuộc đua năng lượng tái tạo

Báo cáo ngành năng lượng tái tạo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết Việt Nam đang dẫn đầu cuộc đua năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á và nằm trong top 20 nước có công suất cao nhất thế giới. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân là nhân tố dẫn dắt sự tăng trưởng thần tốc của mảng năng lượng này trong những năm gần đây.

Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, từ mức 18,4% năm 2018 tăng lên 41,3% trong năm 2021. Trong top 10 doanh nghiệp đầu ngành, Trungnam Group, Xuân Thiện Group là những đơn vị chiếm thị phần lớn nhất theo công suất phát điện, lần lượt là 7% và 5,3%.

 

 

Thống kê của VnDirect cho thấy trong 10 trang trại năng lượng tái tạo đang vận hành có công suất lớn nhất Việt Nam, Xuân Thiện Group dẫn đầu với dự án Cụm nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện EA Súp (Đắk Lắk), sản lượng điện sản xuất 1,5 tỷ kWh/năm. Dự án được đánh giá là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm 22,2km đường dây 500kV và trạm biến áp 500kV/1200MVA.  

Cụm nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.000 MWac (tương đương 2.800MWp), giai đoạn 1 với công suất 600MWac tương đương 831 MWp, giai đoạn 2 của dự án gồm 10 nhà máy, tổng công suất 1.400 MW/1.936 MWp. Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện khoảng 5 tỷ kWh/năm. 

  Cụm Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện EA Súp. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Đắk Lắk)

Ngoài ra, Xuân Thiện Group còn có cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận tổng công suất 306 MWp gồm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc và nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 12. Tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, sản lượng 500 triệu Kwh.

Các dự án của Xuân Thiện Group đi vào vận hành từ năm 2020, kịp thời hưởng quy chế giá điện ưu đãi theo Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh và điện mặt trời trên mái nhà là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.  

 

 (Nguồn: VNDirect).

Về tổng công suất phát điện lên lưới điện quốc gia, Trungnam Group là doanh nghiệp đứng đầu với tổng công suất hiện nay là 1.610 MW. Doanh nghiệp này sở hữu 3/10 dự án có công suất lớn nhất gồm dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Ninh Thuận) 450 MW, lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

 

Dự án này gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng Điện gió – Điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm.  

 Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Ninh Thuận). (Ảnh: Trungnam Group)

Dự án thứ hai là điện gió Eo Nam (Đắk Lắk) với công suất lên đến 400MW, tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, đóng góp 1,1 tỷ kwh/năm vào nguồn điện quốc gia và dự án thứ ba là điện mặt trời Thuận Bắc - Ninh Thuận 204MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, cung ứng sản lượng điện tối đa 450 triệu kW/năm. 

Các dự án của Trungnam Group chủ yếu được khánh thành trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 nên kịp được hưởng giá FIT.

 Dự án điện gió Eo Nam (Đắk Lắk) với công suất lên đến 400MW. (Ảnh: Trungnam Group)

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, các doanh nghiệp tư nhân đã tận dụng lợi thế am hiểu địa phương để phát triển quy mô các cụm năng lượng tái tạo.

Cùng với Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương phần nào đáp ứng mong mỏi của nhà đàu tư, nhà sản xuất khi năng lượng tái tạo vẫn giành vị trí lớn trong bản đồ quy hoạch điện.

Cụ thể, tỷ trọng điện gió tăng 7% lên 16%, điện mặt trời tăng 5% lên 24% trong cơ cấu nguồn điện năm 2045. Công suất điện gió dự kiến sẽ tăng trưởng kép 16% trong giai đoạn 2022 - 2045 và điện mặt trời (tính cả điện mặt trời mái nhà) dự kiến sẽ tăng trưởng 8%. 

"Quy hoạch điện VIII sẽ cần 14 tỷ USD đầu tư vào hệ thống truyền tải giai đoạn 2021-2030, tương ứng khoảng 1,4 tỷ mỗi năm. Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân nhưng không phải doanh nghiệp nào, nhà đầu tư nào cũng có khả năng, kinh nghiệm tham gia nên đây sẽ là cơ hội cho một số doanh nghiệp lớn có ưu thế về quy mô, khả năng tiếp cận nguồn vốn lớn và có năng lực cạnh tranh", bà Hiền nói. 

Số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 8 tháng đầu năm đạt gần 182 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó năng lượng tái tạo đạt gần 25 tỷ kWh, chiếm 13,7% trong tổng cơ cấu nguồn điện, bao gồm 18,8 tỷ kWh điện mặt trời và hơn 5,8 tỷ kWh điện gió.  

Theo Tờ trình Chính phủ ngày 13/10 của Bộ Công Thương về hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, quy mô điện mặt trời và điện gió tương ứng vào năm 2030 sẽ đạt gần 19.500 MW và 28.480 MW, năm 2050 lên 168.900 MW và 153.550 MW.

Năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ ở năm 2020 là 48,8% (bao gồm thủy điện, không bao gồm điện mặt trời mái nhà), sẽ tăng lên đến 66,2% vào năm 2050. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm