Lương, thưởng là vấn đề quan trọng trong trụ cột "sức khỏe tài chính" của người lao động. Lực lượng lao động ngày càng quan tâm đến minh bạch lương. Tại hội thảo công bố kết quả khảo sát lương thưởng năm 2022 của Talentnet, Mercer – đối tác chiến lược của Talentnet chỉ ra kết quả cho thấy 69% nhân viên rất xem trọng việc công ty trả lương minh bạch. Nhưng, trái với sự quan tâm của người lao động, doanh nghiệp thường tiết lộ rất ít về vấn đề này.
Mỹ Dung, 30 tuổi, nhân viên marketing của một doanh nghiệp tại TP HCM cho biết mối quan tâm hàng đầu của là được công khai các khoản thu nhập hàng tháng nhưng công ty không đáp ứng. Nữ nhân viên nói không nhận được phiếu lương, cũng không biết số lương đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được chia tỷ lệ như thế nào. "Khó chịu nhất là cách tính lương thưởng không rõ ràng. Tôi luôn kiểm kê lại doanh số và lợi nhuận bản thân mang lại cho công ty mỗi tháng. Nhưng quy chiếu theo số tiền lương nhận được, tôi không hiểu công ty ra quyết định thưởng như thế nào. Tôi đang cân nhắc nhảy việc", Mỹ Dung chia sẻ.
Không riêng Mỹ Dung, nhiều người cũng có nỗi đắn đo tương tự. Hệ quả là hiện nay, nhân sự luôn sẵn sàng nhảy việc nếu doanh nghiệp không rõ ràng trong cách tính lương, thưởng. Theo khảo sát từ Bequom trên 1.000 nhân sự, có đến 51% sẵn sàng đầu quân cho một công ty trả lương minh bạch hơn đơn vị hiện tại.
Ông Jack Nguyễn, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet nhận định hiện nay người lao động rất quan tâm đến vấn đề rõ ràng trong chi trả cho nhân viên. Ông khuyên doanh nghiệp phải cẩn trọng để không mắc sai sót trong quy trình trả lương. "Những sai sót về lương thưởng rất nhạy cảm, có thể khiến công ty đánh mất lòng tin nơi người lao động, gây mất đoàn kết nội bộ. Nghiêm trọng hơn nữa, doanh nghiệp có thể đối mặt với chế tài của pháp luật", lãnh đạo Talentnet nhận định.
Kết quả khảo sát lương thưởng năm 2022 của Talentnet chỉ ra nhận thức đúng lương thưởng có thể giúp tăng mức độ gắn kết của nhân viên gấp 5 lần so với việc công ty trả mức lương cạnh tranh. Điều này đáng để doanh nghiệp cân nhắc việc đầu tư cho một quy trình tính lương bài bản. Tuy vậy, ông Jack Nguyễn cho rằng doanh nghiệp cũng có những thế khó riêng. Đó có thể là thiếu hụt nhân lực tính lương, hoặc phải chi ra khoản đầu tư khổng lồ để vận hành một hệ thống tính lương toàn diện.
Không chỉ tính lương thực tế hàng tháng, người làm nhân sự còn thực hiện công việc lưu trữ hồ sơ lao động, xử lý dữ liệu thủ công, tuân thủ và nộp thuế lao động theo quy định pháp luật, bảo mật dữ liệu nhân sự và phòng chống gian lận tiền lương. Khối lượng công việc đồ sộ trên đã trở thành bài toán khó cho doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế của họ là số lượng nhân sự ít và nguồn tài chính eo hẹp, hạn chế cơ hội đầu tư vào công nghệ và nhân lực để hỗ trợ ngay lập tức việc tính lương. Với các "ông lớn", dẫu nắm lợi thế tài lực, quá trình xây dựng hệ thống tính lương buộc đội ngũ của họ phải cắt xén thời gian và công sức đáng lý dành cho các hoạt động chiến lược.
Dịch vụ thuê ngoài tính lương là giải pháp được nhiều đơn vị lựa chọn để giải những bài toán minh bạch. Điểm nổi bật của dịch vụ là hệ thống công nghệ hiện đại, cập nhật theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, đảm bảo trả lương chính xác, đúng hạn và minh bạch. Các đơn vị thuê ngoài tính lương cũng có thể tư vấn và cập nhật cho doanh nghiệp các quy định pháp lý về luật lao động, đồng thời hỗ trợ giải đáp kịp thời thắc mắc về lương thưởng, bảo hiểm... cho người lao động.
Ông Jack Nguyễn tin rằng, dịch vụ này có thể nở rộ trong tương lai và mang lại những thay đổi tích cực cho bộ phận HR của mỗi công ty. Khi khối lượng công việc được giảm tải, bộ phận nhân sự có thể tập trung vào các chiến lược cho công ty cũng như nâng cao kỹ năng chuyên môn. "HR được giải phóng để tập trung theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững cùng doanh nghiệp, trong khi đó, đội ngũ nhân tài được trả lương đúng hạn, đầy đủ và minh bạch, giúp tăng sự hài lòng của nhân viên, từ đó giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài", lãnh đạo Talentnet khẳng định.