"Hộ kinh doanh không nên quá lo lắng"
Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành. Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, chậm nhất trong năm 2026.
Nhiều năm kinh doanh tạp hóa tại khu vực P.Cổ Nhuế 1, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội, gia đình anh Nguyễn Trọng Đức (trú P.Cổ Nhuế 1) có tổng doanh thu hàng tháng khoảng 40 triệu đồng. Trừ các chi phí liên quan và mức thuế khoán cố định, lời lãi cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Trước thông tin xóa bỏ hình thức thuế khoán, anh Đức khá lo lắng.

Nhiều hộ kinh doanh bày tỏ lo lắng, chuyển từ thuế khoán sang kê khai thuế có thể làm tăng chi phí
ẢNH: ĐAN THANH
"Gia đình tôi không ai quen thuộc với công nghệ, chứng từ, hóa đơn, giờ nếu phải chuyển sang kê khai thuế thì rất loay hoay. Ngoài ra, tôi lo sẽ tăng chi phí", anh Đức bộc bạch.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đánh giá xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đáng hoan nghênh.
Phần lớn hộ kinh doanh đang áp dụng hình thức thuế khoán, mức thuế nhìn chung khá thấp. Hộ kinh doanh số lượng đông nhưng số thu thuế rất thấp, thất thu thuế lớn.
"Họ không sử dụng sổ sách kế toán, chứng từ nên không biết thực tế thu nhập là bao nhiêu. Đây cũng là mảnh đất dễ xảy ra tiêu cực, đi đêm với nhau giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế nhằm chia quyền lợi", ông Tú nói.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết theo quy định tại Thông tư số 40/2021, hiện có 3 phương pháp kê khai cho hộ, cá nhân kinh doanh, gồm: kê khai thuế (sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ); nộp thuế theo từng lần phát sinh (từng lần thu nhập) và thuế khoán.
Nghị quyết 68 là chủ trương đúng đắn. Để thực hiện được, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ có các nghị định, thông tư hướng dẫn hộ kinh doanh cụ thể, thậm chí sửa đổi luật.
Bởi vậy, ông Được nhấn mạnh, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo luật Thuế giá trị gia tăng giống với tổ chức, doanh nghiệp mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
Trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ.
Còn quy định kê khai thuế ở đây, đơn giản là doanh thu kê khai, số thu thực tế bán hàng và cũng nhân với tỷ lệ quy định. "Nộp thuế theo kê khai tức là doanh thu cao phải nộp thuế cao, thấp thì nộp thấp mới đúng về bản chất của nghĩa vụ thuế", ông Được nói.
Tuy nhiên, ông Được cũng nhấn mạnh, một bộ phận hộ kinh doanh chuyển sang dùng phương pháp kê khai, thủ tục sẽ phức tạp hơn, cần có sổ sách kế toán. Điều này sẽ làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Cần hướng dẫn cụ thể, có lộ trình phù hợp
Nhấn mạnh xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ góp phần quan trọng giải quyết những bất cập như thất thu thuế hay tình trạng tiêu cực, song theo ông Tú, việc triển khai cần có lộ trình và giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các hộ kinh doanh.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm nay ước đạt 8.695 tỉ đồng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Trước mắt, nên lựa chọn diện áp dụng theo quy mô hộ kinh doanh và ngành hàng kinh doanh. Ví dụ, các ngành hàng như ăn uống, vận tải, bán thuốc, bán sữa… cần đưa vào diện triển khai sớm.
"Cơ quan quản lý phải tính toán làm sao để các hộ kinh doanh có thể tuân thủ quy định dễ dàng, hình thức hóa đơn, chứng từ đơn giản. Cần tránh để hộ kinh doanh hoang mang, dẫn tới có thể xảy ra tình trạng hộ kinh doanh chây ỳ thực hiện hoặc mỗi hộ kinh doanh làm một kiểu", ông Tú nói.
Về lộ trình, có thể xây dựng kế hoạch và đặt mục tiêu rõ ràng. Ví dụ, hết năm 2025, bao nhiêu phần trăm trong số hộ kinh doanh đang nộp thuế khoán sẽ chuyển sang kê khai thuế; hết nửa đầu năm 2026 là bao nhiêu… "Với cách triển khai như vậy, việc xóa hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh trong 2026 hoàn toàn khả thi", ông Tú nói.
Ông Được phân tích, thực tế việc chuyển từ thuế khoán sang hình thức kê khai thuế với một bộ phận hộ kinh doanh là không cần thiết, gây lãng phí. Lý do, các hộ kinh doanh này không có nhu cầu quản trị, chỉ đơn giản có doanh thu và nghĩa vụ nộp thuế.
Trong tương lai, chính sách pháp luật có thể cần phải sửa đổi theo, sẽ phải có một phương pháp nộp thuế mới cho những đối tượng này để phù hợp, đúng với thực tế phát sinh.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế. Tổng thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỉ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính đến hết tháng 3, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp tờ khai bao gồm 1,97 triệu hộ nộp thuế theo hình thức khoán; 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai.
Mức thuế khoán bình quân tháng 3 là 672.300 đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Số thuế kê khai bình quân tháng 3 là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.