Sau khi ly hôn, tôi một mình nuôi dạy con trai đang tuổi dậy thì. Tôi luôn muốn thể hiện với chồng cũ rằng dù chỉ có một mình, không có sự hỗ trợ của anh ta, tôi vẫn có thể dạy con tốt. Tôi ép buộc con phải đạt được thành tích học xuất sắc, là học sinh ưu tú của trường.
Nhưng tôi cũng biết rằng, mức học lực của con chỉ ở mức giỏi thôi. Để đạt đến xuất sắc là cả một quá trình dài. Và tôi đã thúc ép, đe dọa, gây áp lực, buộc con phải vượt qua giới hạn của bản thân. Năm lớp 7, lớp 8 (2 năm đầu sau khi tôi ly hôn), con trai đã làm được điều này. Cháu học liên tục, tới kì thi, cháu chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ thôi. 2 năm đó, cháu đứng ở vị trí đầu lớp, nhận được học bổng học sinh ưu tú.
Mỗi khi chồng cũ đến thăm con, anh ta đều trách móc tôi đang cướp mất tuổi thơ và sự hồn nhiên của con. Tôi lại ngẩng cao đầu, bảo rằng anh ta mới là kẻ không xứng đáng làm bố. Lẽ ra anh ta nên rèn giũa để con phát triển tốt nhất, chứ không phải kéo quá trình tôi phấn đấu đi xuống.
Đến năm lớp 9, con tôi dần đánh mất vị thế học tập trong lớp. Dù con vẫn chăm chỉ, mắt đã cận 4 độ vì đọc sách và học quá nhiều nhưng điểm không thể bằng 2 người bạn khác. Sự thua kém này khiến con tức tối và nảy sinh tâm lý ganh đua. Tới kì kiểm tra, con lại học liên tục, học đến 3h sáng, sau đó ngủ một chút rồi tiếp tục đến lớp.

Cô giáo đã gọi điện cho tôi, bảo rằng cháu quá phờ phạc, mặt mày luôn căng thẳng, ánh mắt vô hồn vì thiếu ngủ. Cháu còn tỏ thái độ kênh kiệu, luôn cho rằng mình là người giỏi nhất lớp. Sự ngông cuồng, coi thường người khác của cháu khiến các bạn khó chịu và xa lánh. Hiện tại, cháu không chơi với bạn nào trong lớp mà luôn tỏ ra mình quyền lực nhất lớp. Nghe cô giáo nói, tôi nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Từ hôm đó, tôi đã khuyên con ngủ sớm, tôi chấp nhận cháu bị điểm thấp. Thằng bé hét lên bực dọc: "Mẹ chấp nhận nhưng con thì không. Điểm thấp, con nhục nhã lắm. Dù có gian lận, con cũng phải đạt điểm cao nhất lớp".
Tôi chết trân tại chỗ vì câu nói của con. Con đẩy tôi ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại.
Tối đó, tôi không sao ngủ được. Nhớ đến bộ phim mà trước đây đã xem nhưng bỏ dở, tôi lên mạng xem lại. Bộ phim "Sex Education". Đây là một bộ phim nổi tiếng trên Netflix, phim có rất nhiều nhân vật, nhiều gia đình mà khán giả xem xong phải suy ngẫm. Bởi thông qua những gia đình xuất hiện trong phim, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá để giáo dục con cái trong độ tuổi dậy thì.
Tôi tâm đắc với cách xây dựng người mẹ Sofia, mẹ của Jackson. Bà ấy luôn đặt kỳ vọng quá cao ở con trai mình và luôn tự hào vì danh xưng "vận động viên bơi lội xuất sắc" của con. Jackson buộc phải duy trì sự hoàn hảo, cả về thể chất lẫn tinh thần, liên tục tham gia các cuộc thi bơi lội.
Để đáp ứng kỳ vọng của mẹ, Jackson phải luyện tập không ngừng. Cho đến khi không thể chịu đựng được áp lực nữa, Jackson quyết định tự làm hại mình. Cậu đã tự làm gãy tay để bản thân được ngừng bơi trong một thời gian. Tình tiết này đã khiến tôi thảng thốt khi xem.
Tôi tự nhìn nhận lại chính mình, tôi có khác gì Sofia đâu? Tôi cũng ép buộc con trai phải luôn xuất sắc. Nhưng tôi lại không tôn trọng quyền tự do, thời gian riêng tư hay các mối quan hệ của con. Chính tôi đã biến con trai thành kẻ "ngáo quyền lực" mà không hề hay biết.
Càng theo đuổi niềm hãnh diện của bản thân, sự hoàn hảo, xuất sắc, cái giá tôi nhận lại sẽ càng tai hại mà thôi. Đã đến lúc tôi phải thay đổi chính mình, thay đổi con trai rồi.