Lễ hội 5 làng Mọc xưa gồm các làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang; sau Cự Lộc và Chính Kinh nhập lại thành Cự Chính nên còn bốn làng: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân và Phùng Khoang. Lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/2 (Âm lịch). Lễ rước kiệu các Thánh du xuân, thưởng lãm cảnh quan năm làng và cầu cho quốc thái dân an… vào ngày 12/2 Âm lịch.
Lễ hội 5 làng Mọc được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. Mỗi làng thờ một vị thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, Lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội cổ truyền có từ rất lâu đời được tổ chức 5 năm 1 lần. Mỗi lần có 1 làng đứng đăng cai chủ lễ theo thứ tự Giáp Nhất - Chính Kinh - Cự Lộc - Quan Nhân - Phùng Khoang. Năm 2021, lễ hội này được Nhà nước xếp hạng danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
“Hội 5 Làng Mọc là hội của 5 làng cổ ven đô, là Lễ hội rất lớn còn lưu giữ để phát huy các giá trị Văn hóa – Tâm linh – Thuần phong mỹ tục được các thế hệ nhân dân tôn vinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đùm bọc thân ái cùng nhau xây dựng quê hương, Tổ quốc, ngày càng thịnh vượng”, Ông Nguyễn Kiều Hưng cho biết thêm.
Sáng 3/3 (12/2 Âm lịch), Lễ hội 5 làng Mọc gồm: Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất và Phùng Khoang (Hà Nội) chính thức được diễn ra sau 8 năm không tổ chức vì ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Mặc dù là ngày thường nhưng lễ hội vẫn thu hút được hàng nghìn người dân, du khách đến trảy hội.
Năm nay, làng Quang Nhân đăng cai tổ chức lễ hội. Đoàn rước của làng Quan Nhân đón các đoàn rước làng khác tại đình Hội Xuân.
Các đoàn rước kiệu lần lượt vào đình làng đăng cai.
Trong lễ hội 5 làng Mọc nét đặc sắc chính là màn “kiệu bay”. Những cỗ kiệu múa như bay trên đường đi, thoắt tiến thoắt lui, lúc chạy băng băng, lúc quay tròn linh hoạt và uyển chuyển.
Cách một đoạn, đoàn khênh kiệu lại chạy tăng tốc.
Một kiệu thánh gồm 4 người khênh, các tốp các thanh niên nam, nữ thay phiên nhau.
Người dân quan niệm rằng nghi thức xoay kiệu đó là các Thánh đang ‘thăng hoa’ trước khi vào đình.
Những cô gái rất vất vả để giữ thăng bằng cho kiệu.
"Kiệu bay" khiến phố phường Thủ đô trở nên nhộn nhịp hẳn.
Nhiều thanh niên bị chuột rút, đau chân khi rước kiệu với tốc độ nhanh.
Về đến đình làng đăng cai, Ban điều hành của làng cử người hướng dẫn các làng anh em bầy nghi trượng vào vị trí quy định, nghỉ ngơi trầu nước để chuẩn bị tế lễ.
Nghi thức tế hội đồng được thực hiện tại sân đình, với 3 tuần tế trong tiếng nhạc của dàn bát âm và tiếng chiêng, trống: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ.
Lễ hội năm làng Mọc mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân Kẻ Mọc, các làng Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân, Phùng Khoang.
Nhiều người dân, du khách tranh thủ chui qua các kiệu để cầu may.
Lễ hội đã, đang và sẽ còn mãi, là sự biểu cảm sinh động nhất với những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống của cư dân người Việt cổ vùng ven Thăng Long khi xưa.