Tài chính

Không chỉ các "ông lớn" mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đang lần lượt rời khỏi TTCK London: Vì đâu nên nỗi?

Các chuyên gia cho biết nhiều công ty của Vương quốc Anh đang vạch ra kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Mỹ. Đây là cuộc "di cư" làm suy yếu những nỗ lực của London trong việc đưa thành phố này trở lại thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu.

Hôm 2/3, CRH, công ty vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới, đã trở thành cái tên mới nhất tìm đường rời khỏi London. Chỉ một ngày trước đó, Flutter, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực kinh doanh sòng bài, cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết ở Mỹ.

Hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp khác nhau đang thảo luận về các động thái tương tự bởi thị trường chứng khoán Mỹ lớn hơn, dòng vốn mạnh hơn và được định giá cao hơn. Bên cạnh đó, triển vọng Chính phủ Mỹ sẵn sàng chi hàng trăm tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng cũng khiến thị trường chứng khoán nước này trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp niêm yết.

Hiện trạng nhiều doanh nghiệp tính tới việc rời đi một lần nữa nhấn mạnh khó khăn của Vương quốc Anh trong việc thu hút và giữ chân các doanh nghiệp. Nó cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm tái tạo sức sống cho London và hút các doanh nghiệp khác tới niêm yết đang không mang lại kết quả như mong đợi.

Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp lại coi Mỹ là môi trường có khả năng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ở chiều ngược lại, họ phàn nàn việc các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ hưu trí, ở Anh không mấy mặn mà với các doanh nghiệp nước nhà.

Michael Tory, nhà sáng lập công ty tư vấn Ondra Partners, cho biết: "Khi các nhà đầu tư trong nước không còn mặn mà với chính các doanh nghiệp của quốc gia mình, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem đó là chỉ báo của sự thiếu hấp dẫn".

Chưa hết, London tiếp tục bị các doanh nghiệp mới từ chối niêm yết. Trong tuần này, Softbank đã quay lưng với việc cho Arm, công ty thiết kế chip trụ sở tại Cambridge, niêm yết tại London. Shell cũng đang cân nhắc chuyển niêm yết từ Sàn giao dịch chứng khoán London sang Sàn giao dịch chứng khoán New York. Nhiều công ty khác đã hoàn tất việc chuyển đổi.

Tuy nhiên, ông David Schwimmer, CEO Sàn giao dịch chứng khoán London (LSE), không đồng tình với quan điểm cho rằng có một cuộc rút lui đang xảy ra. "Cho đến nay, chúng tôi vẫn là trung tâm tài chính mang tính toàn cầu mạnh mẽ nhất. Chúng tôi tiếp tục hút vốn và thu hút các doanh nghiệp cùng chia sẻ tầm nhìn toàn cầu", ông Schwimmer nói.

Dẫu vậy, lãnh đạo LSE cũng thừa nhận việc các quỹ hưu trí của Anh đang ít đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước, điều đã đeo bám thị trường vốn London trong nhiều năm qua.

Theo dữ liệu từ Ondra, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu các công ty niêm yết tại Anh của các quỹ hưu trí và bảo hiểm đã giảm từ một nửa danh mục đầu tư xuống còn 4% trong 2 thập kỷ qua. Sự thay đổi phân bổ tài sản này một phần tới từ những quy định trong năm 2000, trong đó buộc các quỹ hưu trí phải thay đổi việc công bố thông tin.

Dẫu vậy, sự kém hấp dẫn của thị trường chứng khoán Anh cũng một phần tới từ chính thị trường này. London từng rất hưng thị trong thời kỳ ăn nên làm ra của các doanh nghiệp khai thác, hoạt động trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ, sự hấp dẫn của London suy giảm mạnh mẽ. Và nhà chức trách cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để mang vinh quang trở lại cho thành phố này.

Tham khảo: FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm