![]() |
Nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT SmartVision giành chiến thắng tại cuộc thi hàng đầu thế giới về công nghệ thị giác máy tính AI City Challenge 2024 |
Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ cho doanh nghiệp
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST) thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế cần xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Đây là vấn đề căn bản nhất cần được thể chế hóa trong Luật KH, CN và ĐMST để xoay trục các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những chính sách đột phá của Luật KH, CN và ĐMST là chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Ông cho biết, nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%. Doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh và không còn giới hạn mức tối đa. Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.
Ngoài ra, doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn VNPT cho rằng, các doanh nghiệp lớn có thể đóng các vai trò quan trọng như cung cấp hạ tầng công nghệ cốt lõi, triển khai các nền tảng, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số sáng tạo, đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Thực hiện Nghị quyết 57 không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trụ cột khẳng định vị thế trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cùng với các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn xa và tạo dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ thế giới”, đại diện lãnh đạo Tập đoàn VNPT nói.
![]() |
Công nghệ 5G của Viettel đã được xuất khẩu sang một số quốc gia |
Cần chính sách thông thoáng
Theo đại diện VNPT, để có thể giúp các doanh nghiệp đầu tàu thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình trong thúc đẩy sự phát triển chung của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp và linh hoạt.
Trong đó nên có chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, blockchain, Internet vạn vật (IoT). Đồng thời, giao các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của quốc gia xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu, nền tảng số dùng chung, các hệ thống hành chính công, đô thị thông minh cho bộ ngành, địa phương.
Ông Torsten Wagner, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) mong muốn được Bộ KH&CN đồng hành thiết thực hơn trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ. Phytopharma đề xuất có chính sách ưu tiên đặc thù cho lĩnh vực sản xuất thuốc biệt dược, rút ngắn thời gian cấp phép lưu hành, đồng thời đẩy mạnh liên kết với viện, trường nhằm đưa nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Cần sớm xây dựng hành lang pháp lý đối với lĩnh vực mới như fintech, AI, dữ liệu lớn. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, đặc biệt là mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng điện toán đám mây để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. “Xây dựng cơ chế chính sách để tạo thị trường trong nước triển khai các sản phẩm Make in Vietnam, từ đó làm chủ công nghệ và đi ra thị trường quốc tế như Camera AI, Cloud, Chiếu sáng thông minh”, ông Nghĩa đề xuất.
Đại diện Tập đoàn này cũng cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường đóng một vai trò quan trọng. Trong đó, mở rộng các chương trình chuyển giao công nghệ, nghiên cứu chung với các đối tác nước ngoài, đẩy mạnh xúc tiến thương mại số, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như ASEAN, châu Âu và Mỹ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ tham gia các hội chợ công nghệ quốc tế, đồng thời hỗ trợ quảng bá các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” ra thị trường thế giới.
Việt Nam cũng cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến, phòng thí nghiệm và chuyên gia công nghệ. Khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái đổi mới trong và ngoài nước, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các quỹ đầu tư, trung tâm nghiên cứu quốc tế để mở rộng năng lực nghiên cứu và phát triển.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Một vấn đề quan trọng khác, theo lãnh đạo VNPT là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để giải bài toán này cần đổi mới chương trình đào tạo thông qua hợp tác với các trường đại học để đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân viên về công nghệ số cũng như xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút chuyên gia công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất cơ chế thuận lợi và cần bám sát thực tiễn. Thứ nhất, có chính sách để doanh nghiệp được thử nghiệm công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới, miễn trừ trách nhiệm khi có những thất bại do nguyên nhân khách quan. Đây là chính sách thuận lợi cho những doanh nghiệp đang nghiên cứu vì những gì mới chắc chắn có những rủi ro nhất định. Thứ hai, có chính sách ưu tiên thu hút nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc cho Việt Nam.
Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, Việt Nam cần hoàn thiện hệ sinh thái số để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, các doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý cho các startup, đồng thời hợp tác để phát triển các giải pháp sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cũng cần xây dựng các nền tảng số lớn, kết nối các dịch vụ, ứng dụng và sản phẩm của các đối tác khác nhau. Việc tạo ra các nền tảng mở sẽ giúp gia tăng sự tương tác giữa các bên trong hệ sinh thái, thúc đẩy sự sáng tạo và cải thiện hiệu quả.
Tại buổi làm việc với Giám đốc Văn phòng Chương trình Trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN tháng 4/2025, ông Mai Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Growmax cho biết, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu (chiếm tới 99%), trong khi đây là mắt xích then chốt quyết định chất lượng và giá trị của chuỗi sản xuất ngành tôm. Doanh nghiệp này đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ nghiên cứu, làm chủ nguồn gene tôm bố mẹ trong nước và phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng AI, IoT, blockchain, kết hợp an toàn sinh học toàn chuỗi.