Trong cái nắng oi gần 40 độ C của Hà Nội, anh Phạm Thắng (Vĩnh Phúc) gầy gò, mặt đen nhẻm than thở: "Chạy xe ôm bao năm, chưa bao giờ tôi thấy vất vả như hiện nay. Nếu cuối năm 2021 chỉ cần đổ 60.000 đồng là đầy bình xăng Honda Ware alpha thì đến nay, chi phí để đổ đầy bình tới cả trăm nghìn đồng. Trong khi đó, giá cước chưa thể tăng vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố".
"Xăng tăng giá, chi phí cũng tăng mạnh trong khi thu nhập giảm nhiều, nếu không thể cầm cự được tôi sẽ trả nhà trọ để về quê tìm việc khác” – anh Thắng chia sẻ.
Giá xăng tăng cao, tài xế xe công nghệ dự định trả nhà trọ để về quê tìm việc khác
Là tài xế ô tô, mỗi lần xăng tăng giá đồng nghĩa anh Đặng Hiệp, tại Đông Anh (Hà Nội) lại phải gánh “nợ” nặng hơn. Anh Hiệp cho biết, cuối năm 2020, anh vay hơn 300 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm để mua một chiếc xe Vios chạy taxi công nghệ. Nay với dư nợ còn lại khoảng 200 triệu, mỗi tháng anh Hiệp phải trả ngân hàng gần 7 triệu đồng.
Tài xế này ước tính với 7 lần tăng giá xăng liên tiếp, nếu đi làm chăm chỉ cũng khó để có thu nhập hơn 10 triệu mỗi tháng sau khi trả tiền ngân hàng, trong khi năm ngoái anh đã phải vay người thân tiền để trả nợ trong vài tháng không thể đi làm vì giãn cách xã hội. Vì vậy, anh đang rao bán xe với giá 470 triệu để tất toán nợ ngân hàng, trả tiền người thân.
Tài xế xe taxi đối diện khó khăn phải rao bán xe vì thu nhập ngày càng eo hẹp
Không chỉ các cá nhân là tài xế taxi hay xe ôm công nghệ bị ảnh hưởng mà ngay cả những doanh nghiệp vận tải lâu năm cũng “khốn khổ” trước những đợt “leo thang” của giá xăng.
Cách đây 2 tuần, ông Giang, chủ doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, đã phải bán đi 2 chiếc xe limousine vì không thể “gồng gánh” được nữa trước sức ép từ xăng, dầu lên chi phí vận chuyển, trong khi nhu cầu hành khách giảm nhiều hơn so với trước.
“Chúng tôi cố gắng cầm cự một thời gian nhưng không chịu nổi nữa đành phải bán xe. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ chạy xe khách tuyến cố định, đã đề xuất tăng vé xe từ 100 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng để bù vào giá xăng, nhưng khách hàng cũng không còn “mặn mà” như trước” – ông Giang cho hay.
Hàng loạt chủ xe khách liên tỉnh cũng đối diện khó khăn kép vì giá xăng dầu tăng, trong khi khách thì giảm
Tương tự, ông Hà Văn Chư, chủ nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nam Định cũng cho biết, nhà xe này đã tìm cách cắt giảm tối đa chi phí để tồn tại giữa "bão" giá xăng dầu.
“Nhà xe bây giờ lao động toàn là người trong nhà, không phải thuê thêm người mà cũng chạy lâu năm nên may mắn là khách cũng quen rồi, vì thế vẫn còn đang duy trì được. Cũng may nữa là không phải vay ngân hàng nên dù có khó khăn chúng tôi vẫn có thể cầm cự”, ông Chư cho hay.
Cũng theo ông Chư, lượng khách di chuyển bằng xe khách hiện tại cũng trở nên thưa thớt, vắng vẻ mà ông chưa hiểu rõ nguyên do. Ngày thường đông lắm thì được 20-25 khách, cuối tuần may ra được một buổi xe kín chỗ. Còn tình trạng lượt đi có khách, lượt về xe không và ngược lại là chuyện bình thường.
Với 7 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp, ông Chư cho biết sẽ cùng các đồng nghiệp kiến nghị tăng giá vé, chứ giá vé vẫn giữ nguyên không đổi như lúc xăng chưa tăng thì không thể sống bằng nghề vận tải được nữa.
Trong khi đó, chủ nhà xe khác chạy tuyến Gia Lâm - Yên Bái thì cho biết, từ khi xăng tăng giá họ đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp “lốt” đều tay như trước nữa. Nghĩa là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì cất kỹ xe trong gara.
“Chỉ mong giá xăng và giá các loại thực phẩm khác được bình ổn, để hàng hóa vận chuyển nhiều, khách hàng đi lại đều và nhà xe cũng đảm bảo thu nhập như trước đây” – chủ nhà xe nói thêm.