Thời sự

Xăng dầu giảm giá mạnh 3 kỳ liên tiếp, giá cả hàng hoá dịch vụ vẫn "tăng dễ, giảm khó"

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục giảm mạnh giá xăng dầu từ 2.710-3.600 đồng/lít.

Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 về còn 25.070 đồng/lít; xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít; Dầu diesel giảm còn 24.850 đồng/lít; Dầu hoả giảm còn 25.240 đồng/lít ; Dầu mazut là 16.540 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng dầu đã giảm mạnh 3 kỳ liên tiếp kể từ đỉnh thiết lập vào cuối tháng 6 và trở về với mức ngang với hồi tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, xăng giảm nhưng hàng hoá chưa giảm là tình trạng đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay, dù với nhiều mặt hàng, dịch vụ, giá xăng là yếu tố quan trọng cấu thành lên giá cả.

Chỉ trong gần 1 tháng, giá xăng RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.230 đồng/lít; dầu diesel giảm 5.160 đồng/lít, tương đương mức giảm 20% từ đỉnh song hầu hết các mặt hàng không có hiện tượng giảm giá mà giữ nguyên với giá hồi cuối tháng 6.

 

Vẫn có tình trạng "tăng dễ, giảm khó"

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, giá cả hàng hoá luôn có tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm”. Khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp, nhà buôn thường đẩy giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như các dịch vụ vận tải thường chậm hơn, thậm chí vẫn giậm chân tại chỗ, tạo mặt bằng giá mới.

Khi mà người bán cảm thấy giá cao nhưng vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ. Giá cả quyết định lợi nhuận, giá cả cao thì lợi nhuận sẽ cao. Cho nên, khi người bán đã tăng giá, họ sẽ luôn muốn giữ giá cao cho đến một mức mà thị trường vẫn còn chấp nhận, vị chuyên gia này phân tích.

Vì vậy, để hàng hoá giảm giá theo giá xăng dầu thì cần có sự vào cuộc của cả “3 chủ thể” trong nền kinh tế thị trường là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan quản lý và bản thân mỗi người tiêu dùng.

 PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính. (Ảnh: NVCC). 

Hàng hóa chỉ hạ giá khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự, nghĩa là có rất nhiều bên bán, khi một số bên bán giảm giá thì các bên khác cũng phải giảm theo nếu không muốn bị mất thị phần.

Thứ hai, là áp lực của cơ quan nhà nước, yêu cầu kê khai, giám sát và có những lời khuyên biết chia sẻ với lợi ích người tiêu dùng, cơ quan chức năng. Đồng thời, bản thân những người tiêu dùng phải biết áp dụng biện pháp tẩy chay, lên án... những hàng hóa tăng giá vô lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá phân tích.

Doanh nghiệp vận tải trần tình về giá cước

Trần tình về giá cước taxi tại sao chưa giảm trong bối cảnh xăng dầu giảm giá mạnh, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình.

Mỗi lần điều chỉnh giá cước trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai, do phải trải qua các công đoạn, như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền. Chưa kể chi phí cho việc kiểm định này không nhỏ, với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ.

“Theo kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, giá xăng dầu khi giảm thì rất thấp, nhưng một khi tăng lại rất cao, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao, cần nhiều nhân công mà doanh thu không có, nên trước khi quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước, các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng”, ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ.

Còn theo một doanh nghiệp chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, giá cước hiện đang áp dụng vẫn bằng với hồi giá xăng dầu 26.000 đồng/lít. 

"Sau đó giá xăng tăng sốc nhưng chúng tôi chưa kịp điều chỉnh giá cước vì sẽ mất rất nhiều thời gian và thủ tục. Hiện giá xăng được bình ổn về hơn 25.000 đồng/lít là phù hợp với giá cước. Sắp tới nếu giá xăng về dưới mốc 24.000 đồng/lít, chúng tôi sẽ cân nhắc việc giảm cước", đơn vị này cho biết.  

Trước đó, từ ngày 10/2, dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng. 

Sang tháng 3/2022, Grab Việt Nam phát đi thông báo về việc điều chỉnh tăng cước phí. Cụ thể, giá GrabCar tăng từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên. Và ở các km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng. 

Các hãng taxi truyền thống cũng điều chỉnh tăng giá cước để phù hợp với chi phí giá xăng. Riêng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê, tính đến hết tháng 3 đã có 16 đơn vị vận tải gửi hồ sơ xin tăng giá cước, trong đó có 14 hãng xe taxi tăng giá cước từ 5 đến 15% tùy loại xe.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm