Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu mới đây, ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, Covid-19 dần được kiểm soát nhưng hoạt động kinh doanh nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức.
Ông cho biết hoạt động logistic chậm, khiến doanh nghiệp ngành này "khó chồng khó". Hiện các nhà phân phối tồn một lượng lớn hàng hóa nên họ phải tìm cách giải quyết. Hơn nữa, trong nội tại ngành, vấn đề cạnh tranh về nguồn nhân lực càng khiến doanh nghiệp "đau đầu".
Theo ông Trình, phần lớn lao động trong ngành dệt may là dạng phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Đặc biệt với phân ngành hỗ trợ như sản xuất nguyên vật liệu.
Do đó, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, theo ông Trình cần gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp và các trường đào tạo cần hình thành liên kết bền vững hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Cũng dự báo về những khó khăn trong ngành, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài, cho rằng 6 tháng cuối năm tình hình xuất khẩu của dệt may sẽ tăng trưởng chậm lại. Lạm phát, chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm.
Ngoài ra, theo ông Tài, kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhưng giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân là ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn, chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.
Do đó, ông Tài cho rằng để cải thiện tình hình, ngành này cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Đồng quan điểm, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) - doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, tối ưu hóa về nhân công...