Tài chính

Xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử, vàng vẫn còn xuất... giấy viết tay

Người dân thanh toán tiền khi mua vàng tại TP.HCM - Ảnh: PH.QUYÊN

Người dân thanh toán tiền khi mua vàng tại TP.HCM - Ảnh: PH.QUYÊN

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại một số cửa hàng vàng bạc ở địa bàn Hà Nội, chỉ một số ít thuộc các hệ thống lớn tuân thủ chặt chẽ việc xuất hóa đơn đỏ, còn lại giao dịch mua bán vẫn chủ yếu hóa đơn viết tay.

Tại TP.HCM, hiện nay khi mua bán vàng tại các công ty vàng lớn, chẳng hạn tại Công ty PNJ, khách hàng sẽ được cấp phiếu bán hàng kiêm phiếu thu trên đó có ghi tên khách hàng, hàng hóa mua, trọng lượng, số lượng, đơn giá, thành tiền, phương thức thanh toán và có đóng dấu đã thu tiền, đã giao hàng.

Trên tờ phiếu có ghi "PNJ sẽ gửi thông tin hóa đơn điện tử cho khách hàng sau qua SMS, email theo thông tin khách hàng cung cấp". Các thông tin này được nhập lên hệ thống và công ty có thể kiểm tra khi khách hàng bán lại sau này.

Trong khi đó các tiệm vàng hiện nay đều không xuất hóa đơn mà chỉ có một tờ giấy biên nhận do tiệm in sẵn. Chủ một tiệm vàng tại quận 6 cho biết trừ các công ty vàng lớn, hiện nay hầu như không có tiệm vàng nào xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng.

Nếu có chỉ là hóa đơn nội bộ của doanh nghiệp xác nhận một số thông tin như tên sản phẩm, tuổi vàng, số lượng món hàng, đơn giá và thành tiền. Việc cung cấp các hóa đơn nội bộ chỉ áp dụng đối với vàng trang sức.

Theo một chủ tiệm vàng tại quận 11, một khi Nhà nước yêu cầu phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua bán vàng thì chắc chắn các tiệm vàng sẽ phải tuân thủ theo. Nhưng hiện tại phần lớn tiệm vàng ngại xuất hóa đơn vì muốn né việc công khai doanh thu, chưa kể nguồn vàng đầu vào không phải theo đường chính ngạch nên khó hợp thức hóa.

Bên cạnh đó, tiệm vàng cũng mong mỏi cơ quan quản lý có hướng dẫn để xử lý với số lượng vàng giao dịch trước thời điểm buộc các tiệm vàng phải xuất hóa đơn điện tử sao cho hợp lý.

Xăng dầu còn làm được, sao vàng lại không

TS Phan Phương Nam, phó trưởng khoa luật thương mại (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết cơ quan thuế cần quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng như cách làm với mặt hàng xăng dầu.

Thực tế có hàng vạn cây xăng trên toàn quốc mỗi hóa đơn chưa tới trăm nghìn đồng vẫn phải áp dụng hóa đơn điện tử, trong khi giao dịch vàng tiền triệu đến tiền tỉ đến nay chưa áp dụng đồng loạt, tạo ra những kẽ hở về sự minh bạch.

Theo đó, ông Nam cho biết khi doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử thì các dữ liệu này cùng lúc gửi cho người tiêu dùng và cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ kiểm soát được chính xác số lượng bán, giá cả, doanh thu, số thuế mà cửa hàng phải nộp cho Nhà nước.

Việc triển khai, theo ông Nam, sẽ không khó nhưng đòi hỏi sự quyết tâm từ phía cơ quan quản lý, chức năng. Đổi lại lợi ích của việc này cũng rất lớn. Ông Nam cho biết sẽ không chỉ hữu ích với cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc chống thất thu thuế, quản lý thị trường, chống nhập lậu, bảo vệ người tiêu dùng mà còn đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh.

Bởi theo ông Nam, hiện nay chủ yếu việc xuất hóa đơn điện tử mới thực hiện ở các doanh nghiệp lớn, còn đa số đơn vị nhỏ lẻ thì "tránh được là tránh". Trong khi về nguyên tắc, ông Nam cho biết các công ty phải lập hóa đơn giao cho khách hàng kể cả trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn.

"Doanh nghiệp lãi nhiều thì phải nộp thuế nhiều. Giá đầu ra như thế nào, đầu vào ra sao phải rõ ràng", ông Nam nói. Tuy nhiên theo ông Nam, việc thực hiện sẽ cần có lộ trình, mất thời gian và ngay khi làm được đồng bộ thì cũng chưa thể kỳ vọng có dữ liệu đầy đủ về thị trường này được.

Bởi theo ông Nam, khác với xăng dầu, người dân tích trữ vàng rất lớn và cũng không thể biết từ năm nào. Dù không thể hướng tới hoàn toàn theo mô hình hóa đơn điện tử như xăng dầu nhưng với vàng phần nào vẫn có những áp dụng kinh nghiệm.

"Vàng biến động theo từng ngày, từng giờ, cơ chế điều chỉnh giá khác với giá xăng dầu. Do vậy khi triển khai cần có những hướng dẫn, cơ chế rõ ràng", ông Nam góp ý.

Đồng thời khi áp dụng, ông Nam cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ đi kèm tuyên truyền, sau đó tiến tới tăng giám sát, xử lý nghiêm các hành vi bán hàng cố tình không xuất hóa đơn, phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm