Giữa tháng 3 vừa qua, tờ Live Science đăng tải bài viết về kết quả phân tích hình ảnh chưa từng được thực hiện trước đây, cho thấy rằng những xác ướp cổ xưa, lâu đời nhất của con người không đến từ Ai Cập hay thậm chí Chile, mà là châu Âu.
Khoảng 60 năm trước, một nhà khảo cổ học đã chụp được những bức ảnh về một số bộ xương được chôn cất trong những ngôi mộ 8.000 năm tuổi ở miền Nam đất nước Bồ Đào Nha. Các nhà nghiên cứu cho biết hơn một chục thi thể cổ đại được tìm thấy ở Thung lũng Sado phía Nam của Bồ Đào Nha trong các cuộc khai quật vào những năm 1960.
Và ít nhất một trong số những thi thể đó đã được ướp xác, có thể là nhằm mục đích vận chuyển dễ dàng hơn trước khi chôn cất. Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy các thi thể khác - được chôn cất tại cùng địa điểm - cũng có thể đã được ướp xác. Nó như minh chứng cho thấy tập tục ướp xác đã phổ biến ở khu vực này vào thời điểm 8.000 năm trước.
Các nhà khảo cổ cho rằng, người xưa ướp xác sau khi đã trói xác chết bằng dây và làm khô bằng lửa trong vài tuần, nhằm mục đích vận chuyển đến nơi chôn cất dễ dàng hơn.
Quy trình ướp xác phức tạp đã được sử dụng ở Ai Cập cổ đại hơn 4.500 năm trước và bằng chứng về quá trình ướp xác đã được tìm thấy ở những nơi khác ở Châu Âu, có niên đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Nhưng những xác ướp mới được xác định ở Bồ Đào Nha mới là xác ướp lâu đời nhất từng được tìm thấy và được tạo ra trước những xác ướp giữ kỷ lục trước đó - xác ướp ở vùng ven biển của sa mạc Atacama ở Chile - khoảng 1.000 năm.
Những xác ướp hơn 8.000 năm tuổi
Rita Peyroteo-Stjerna, một nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Uppsala cho biết rằng mặc dù quá trình ướp xác diễn ra tương đối đơn giản trong điều kiện rất khô hạn như sa mạc Atacama, nhưng rất khó để tìm thấy bằng chứng cho việc này ở châu Âu, nơi có điều kiện ẩm ướt hơn nhiều - đồng nghĩa với việc các phần mô mềm của xác ướp hiếm khi bảo quản tốt được.
"Rất khó để thực hiện những quan sát này, nhưng có thể thực hiện được bằng các phương pháp kết hợp", cô nói với Live Science. Peyroteo-Stjerna là tác giả chính của một nghiên cứu về khám phá được công bố trong tháng 3 vừa qua trên Tạp chí Khảo cổ học Châu Âu.
Bằng chứng về quá trình ướp xác của người châu Âu được tìm thấy trong một số cuộn phim ảnh mà nhà khảo cổ học người Bồ Đào Nha Manuel Farinha dos Santos để lại khi ông qua đời vào năm 2001. Farinha dos Santos đã nghiên cứu các bộ hài cốt người được khai quật từ Thung lũng Sado vào đầu những năm 1960.
Trong nghiên cứu mới được thực hiện từ các bức ảnh do Farinha dos Santos từ hơn 60 năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra những bức ảnh đen trắng của 13 ngôi mộ từ thời kỳ đồ đá cũ, hay thời kỳ đồ đá giữa. Họ sử dụng các bức ảnh để tái tạo lại các khu chôn cất tại 2 địa điểm, các nhà khoa học quan sát thấy rằng xương của một bộ xương là "siêu linh hoạt" - tức là tay và chân đã được di chuyển vượt quá giới hạn tự nhiên của chúng - điều này cho thấy cơ thể người chết đã bị trói rất chặt sau khi chết.
Phương pháp ướp xác lâu đời nhất thế giới
Những bức ảnh chụp một trong những bộ xương được khai quật từ một địa điểm khảo cổ ở Thung lũng Sado cho thấy dấu hiệu nó đã được ướp xác trước khi được chôn cất khoảng 8.000 năm trước.
Hơn nữa, các đoạn xương của hài cốt vẫn còn gắn liền với nhau sau khi chôn cất, trong khi thực tế hầu hết những xương bàn chân rất nhỏ thường bị rời ra hoàn toàn khi cơ thể phân hủy.
Kỳ lạ là không có dấu hiệu nào cho thấy rằng phần đất của ngôi mộ từng bị dịch chuyển khi mô mềm của cơ thể người phân hủy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không xảy ra sự phân hủy.
"Tổng hợp lại, những dấu hiệu này chỉ ra rằng thi thể đã được ướp xác sau khi chết", Peyroteo-Stjerna nói rằng thi thể đó có thể được cố ý làm khô và sau đó dần dần nhỏ lại bằng cách quấn dây thật chặt xung quanh.
Những thí nghiệm trên các hài cốt này cho thấy người cổ đại có thể từng thực hiện những thao tác nào đó khi ướp xác người chết ở thung lũng Sado.
Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng những cư dân xưa đã trói người chết lại, sau đó đặt lên trên một cấu trúc cao, chẳng hạn như bệ nâng, để cho phép chất lỏng phân hủy thoát ra ngoài và tránh tiếp xúc với cơ thể.
Có khả năng khác xảy ra là họ dùng lửa để làm khô thi thể và dùng các dây buộc trên cơ thể, thắt chặt dần qua thời gian.
Nhà khảo cổ học Peyroteo-Stjerna cho biết nếu một số hài cốt được đưa từ nơi khác đến thung lũng Sado để chôn cất, thì việc ướp xác để giúp xác chết nhỏ và nhẹ hơn nhiều, sẽ giúp cho quá trình vận chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Nguồn: Live Science