Theo dự báo mới nhất của IMF, nhiều khả năng trong năm 2022, Việt Nam sẽ đứng thứ 5 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, sau Indonesia, Thái Lan, Phillipines, Singapore và xếp trên Malaysia, với mức tăng trưởng 6,6%, đạt 375,2 tỷ USD.
ADB thì kém lạc quan hơn một chút về dự báo tăng trưởng, cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và đạt 374,84 tỷ USD, nhưng về thứ hạng thì không thay đổi.
Còn World Bank thường không đưa ra dự báo cho Singapore. Tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% và đạt 370,62 tỷ USD.
Dự báo tăng trưởng cho Việt Nam của ADB không thay đổi so với báo cáo trước đó. Tổ chức này cho rằng, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.
Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.
Trong khi đó, mới đây, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,3%. Lý do cho điều chỉnh này là những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao. Thêm nữa, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.
Việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép....bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu tăng. Mặc dù Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia dành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, song chính điều đó lại khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải thành công hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank khuyến nghị, Việt Nam cũng phải thận trọng hơn với hệ thống tài chính. Thực tế, các chính sách tài chính tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải được nghiên cứu kỹ.