Doanh nghiệp

"Web3.0 là tương lai của nền kinh tế mới"

Trò chuyện cùng người dẫn chương trình là ông Lê Trí Thông (CEO PNJ) trong khuôn khổ talkshow The Next Power, hậu duệ Hoàng gia Đức Schamburg-Lippe – Heinrich Donatus đưa ra nhiều đánh giá khả quan về triển vọng phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam.

Trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực blockchain và là nhà sáng lập 3.0 Labs – Quỹ đầu tư Web 3.0, vị doanh nhân 27 tuổi đặc biệt nhấn mạnh đến những cơ hội hay thách thức mà các nước phát triển như Việt Nam cần phải vượt qua, đồng thời đưa ra các nhìn đa chiều hơn về phương thức công nghệ chuỗi khối có thể tạo dựng một nền kinh tế phi tập trung, hay nền kinh tế vì các bên tương quan.

Hoàng gia Đức – Heinrich Donatus và người dẫn Lê Trí Thông tại talkshow The Next Power.

Hoàng gia Đức – Heinrich Donatus và người dẫn Lê Trí Thông tại talkshow The Next Power.

Blockchain – nền kinh tế vì các bên tương quan

Ngay trong phần đầu của buổi chia sẻ với host Lê Trí Thông, Heinrich Donatus đưa ra những lợi thế của việc ứng dụng blockchain đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Anh cho rằng, blockchain có thể giúp những người nông dân, những người không có tài khoản ngân hàng có thể tương tác, vay hoặc cho vay, đầu tư hay mua bán mà không cần biết đối tác là ai, bởi tất cả những rủi ro về đối tác được loại bỏ khỏi hệ thống nhờ công nghệ chuỗi khối. Điều này cũng mở ra ý tưởng cá nhân có thể kết hợp hay giao dịch với nhau trên không gian ảo.

Ngoài ra, vị doanh nhân trẻ cũng nhấn mạnh một ý tưởng thú vị là nền kinh tế vì các bên tương quan (stakeholder economy), hay một thuật ngữ mà hầu hết mọi người đều biết là Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO), một mô hình còn rất non trẻ. Nếu Web 2.0 (thế hệ thứ 2 của internet) hiện nay cho phép mọi người đọc, tạo nội dung, chia sẻ thông tin trực tuyến, nhưng dữ liệu của người dùng nằm trong tay các hãng Internet lớn như Google, Facebook, Apple... Còn với Web 3.0 (thế hệ thứ 3 của internet, phát triển trên nền tảng phi tập trung) người dùng nắm quyền sở hữu, kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.

Nhà sáng lập 3.0 Labs cho biết, với web 3.0, các quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội để bắt kịp hơn so với các nước phương Tây, theo đó hệ thống cơ sở hạ tầng kiên cố là một vấn đề lớn vì muốn ứng dụng công nghệ mới cần phải tháo dỡ cơ sở hạ tầng cũ trước khi ứng dụng, quá trình này rất mất thời gian.

Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Việt Nam, câu chuyện rất khác. "Rất nhiều người không được tiếp cận với các nguồn lực tài chính, và chính phủ lại trực tiếp tham gia vào nền kinh tế. Vì vậy, đây là cơ hội để chính phủ bỏ qua tất cả các bước mà các nước phương Tây từng thực hiện để đạt được mục tiêu chỉ với duy nhất một bước", vị doanh nhân nhấn mạnh.

Tiềm năng và thách thức của các nước đang phát triển

Chia sẻ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Heinrich Donatus nhận định: "Một trong những điều khiến tôi ấn tượng đó là trong khi các công ty phương Tây thường nghiên cứu các mô hình kinh doanh, sau đó lập kế hoạch dài hạn và chiến lược kinh doanh dựa trên những mô hình họ đã biết trong quá khứ, các doanh nghiệp hay doanh nhân ở Việt Nam lại rất sáng tạo trong cách làm việc. Họ nhìn thấy những cơ hội mà người khác không nhìn thấy, đồng thời nhanh chóng tìm ra những giải pháp".

Về hướng đi cho Việt Nam để có thể nắm bắt cơ hội, ông lấy ví dụ về mô hình Kaldor từng được sử dụng tại Nhật Bản hay Hàn Quốc vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Theo đó, một cuộc cách mạng đã được thực hiện trong ngành vận tải biển bằng cách ứng dụng những kiến thức và nguồn lực từ Mỹ, quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại thời điểm đó. Họ chỉ cần tiếp tục những gì đang dang dở, điều duy nhất cần phải cải thiện là hiệu quả thực hiện.

Từ đó, ông cho biết: "Giống như Nhật Bản và Trung Quốc đã làm, bạn chỉ cần đưa tài nguyên của bạn ra, các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ luôn sẵn sàng hợp tác để xây dựng web 3.0 tại Việt Nam và trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này".

Nhà sáng lập 3.0 Labs nhận định, nhiều doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực blockchain thường chỉ nghĩ đến những kế hoạch ngắn hạn, đặt tầm nhìn trong 3 tháng. Nhiều dự án kinh doanh chỉ được gọi là dự án chứ không phải là doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông cho rằng, cộng đồng blockchain tại Việt Nam cần phải nghĩa xa hơn. "Khi xây dựng một doanh nghiệp blockchain, đừng nghĩ rằng 'Chúng ta sẽ làm về cái này', 'Đây là khách hàng của chúng ta' hay 'Token này sẽ dùng vào việc này'. Thay vào đó, hãy nghĩ xem làm thế nào để tiếp tục tạo ra giá trị cho tất cả mọi người sau 10 năm hay 20 năm nữa. Hãy nghiêm túc coi đó là một doanh nghiệp, nhưng đồng thời hãy tận hưởng niềm vui của việc kinh doanh blockchain", ông chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm