Trong phiên 6/7/2022, giá dầu đã hạ xuống dưới mức 100 USD/thùng, làm dấy lên hy vọng về việc loại vàng đen này sẽ ngày một rẻ hơn. Cho đến tận phiên 13/7, giá dầu Brent vẫn xoay quanh ngưỡng 99,64 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ phiên 11/4.
Vậy nhưng theo hãng tin Bloomberg, mơ ước đấy còn lâu mới trở thành hiện thực.
Trên thực tế, Bloomberg cho rằng nhu cầu về dầu mỏ thế giới vẫn ngày một tăng trong khu nguồn cung lại sụt giảm, khiến giá dầu sẽ còn ở mức cao trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Nhu cầu dầu mỏ thế giới ngày một tăng (triệu thùng/ngày)
"Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng như hiện nay. Chúng ta vẫn chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất xảy ra đâu và chắc chắn cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới", giám đốc Fatih Birol của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo.
380 USD/thùng
Hãng tin Bloomberg nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay diễn ra khá phức tạp. Đà tăng giá xăng 42% tại Mỹ từ đầu năm đến nay đã khiến tỷ lệ lạm phát tại đây lên mức cao nhất 40 năm. Cũng chính chỉ số giá tiêu dùng quá cao đã khiến nền kinh tế Anh có khả năng rơi vào suy thoái, đồng thời gây ra hàng loạt bất ổn xã hội từ Peru cho tới Sri Lanka.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là thế giới đang vất vả tìm kiếm nguồn cung cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Báo cáo của IEA dự đoán tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu năm 2023 sẽ tăng thêm 2% và vượt qua cả thời kỳ trước đại dịch, thế nhưng sản lượng khai thác lại không theo kịp đà tăng nhu cầu này.
Tổ chức OPEC, vốn chiếm 40% sản lượng khai thác dầu mỏ thế giới đang vất vả để theo kịp sản lượng mực tiêu. Cơ sở hạ tầng khai thác yếu kém do nhiều năm không được đầu tư nâng cấp cùng những xung đột về chính trị đã kìm hãm đà tăng sản lượng của các thành viên OPEC.
Tính đến tháng 5/2022, khối OPEC+ (bao gồm cả những nước đồng minh với OPEC) khai thác được sản lượng thấp hơn mức mục tiêu 2,7 triệu thùng dầu/ngày bất chấp lời kêu gọi từ nhiều quốc gia trong bối cảnh giá xăng tăng.
Tồi tệ hơn, hãng JP Morgan Chase cảnh báo cuộc xung đột Ukraine và sự thiếu vắng dầu Nga sẽ khiến giá dầu bật tăng lên 380 USD/thùng nếu thế giới không tìm ra được giải pháp. Dù một số nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã chấp nhận mua dầu Nga nhưng sản lượng khai thác tại đây vẫn giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.
Hiện nay, Mỹ đang kỳ vọng vào duy nhất 2 thành viên có khả năng gia tăng thêm sản lượng là Ả Rập Xê Út và UAE. Chính quyền Washington đã liên tục hối thúc 2 quốc gia này bơm thêm dầu nhưng bị từ chối vì nhiều lý do. Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch thăm Ả Rập Xê Út trong tháng này để đàm phán về vấn đề dầu mỏ.
Giá xăng tại Mỹ vẫn đang ở mức cao
Bất chấp điều đó, Bloomberg nhận định ngay cả Ả Rập Xê Út cũng đã khai thác hết công suất khi Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco của họ đang có sản lượng 12 triệu thùng/ngày, mức công suất mới chỉ đạt 1 lần duy nhất trong lịch sử trước đây.
Ngay cả với UAE, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết nhà lãnh đạo nước này nói với ông rằng họ đã chạy hết công suất và khó lòng tăng sản lượng được nữa.
Tại Châu Âu, các hãng khai thác thì lại từ bỏ xăng dầu để chuyển sang năng lượng sạch đúng như mục tiêu chính trị đã đề ra.
Tại Mỹ, ngành khai thác dầu đá phiến vẫn chưa thể tăng tốc khi các nhà đầu tư đều có cái nhìn bi quan về chính sách. Chính quyền Washington đã nêu rõ sẽ tập trung phát triển năng lượng sạch, nghĩa là việc đổ hàng tỷ USD cho khai thác, lọc hóa dầu rồi chờ đợi vài năm mới thu lại về được lợi nhuận là điều cực kỳ rủi ro.
Sản lượng khai thác dầu tại một số nơi như Permian Basin hay New Mexico-Mỹ có tăng nhẹ nhưng phần còn lại của nước Mỹ đều có sự suy giảm công suất do nhà đầu tư rút lui. Nhiều trạm xăng hay nhà máy lọc dầu đã rao bán trong khi các công ty khai thác thì chẳng muốn nâng sản lượng do lạm phát cao đẩy chi phí đi lên.
Hiện tại, Mỹ vẫn khai thác ít hơn so với thời kỳ trước đại dịch 1 triệu thùng/ngày.
Vàng đen
Theo Bloomberg, dầu mỏ vẫn sẽ giữ được ngôi vị vàng đen của mình khi không chỉ thiếu cung mà nhiều nhà khai thác còn không muốn tăng sản lượng. Top 5 tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới chỉ có kế hoạch đầu tư 81,7 tỷ USD khai thác trong năm 2022, bằng một nửa so với năm 2013.
Ngành dầu đá phiến Mỹ sau năm 2016 bùng nổ đã không còn thu hút nhà đầu tư do lợi nhuận không được như kỳ vọng. Hệ quả là nhiều công ty khai thác bắt đầu siết chặt quản lý, hạn chế tăng sản lượng nếu không đem lại hiệu quả làm hài lòng cổ đông.
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 8/2022
Với nguồn vốn đầu tư suy giảm, cơ sở hạ tầng ngành dầu mỏ không còn giữ được sản lượng như trước đây. Nhiều mỏ dầu cũ đã bị đóng cửa trong mùa dịch khi nhu cầu xuống thấp và không thể mở lại, khiến sản lượng càng sụt giảm.
Giá dầu thô tại Mỹ trong 1 tháng qua đã giảm khoảng 13% nhưng giá xăng lại chỉ giảm 6,5%, cho thấy nhu cầu năng lượng đang cao hơn nhiều so với khả năng cung ứng.
Xin được nhắc lại là sau 2 năm giãn cách vì đại dịch, nhu cầu đi lại của người dân đang ngày một tăng cao, thậm chí vượt cả thời kỳ trước khi dịch bùng phát. Đó là chưa kể Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hoàn toàn vì tuân thủ chiến lược "Zero Covid".
Hãng tin Bloomberg cho biết dù suy thoái kinh tế có diễn ra thì nhu cầu năng lượng cũng khó lòng giảm mạnh, thay vào đó nó chỉ tăng trưởng chậm lại mà thôi. Số liệu của Bloomberg cho thấy có đến 20 nước đang trợ giá xăng dầu cho người dân và thứ vàng đen này vẫn sẽ thống trị thế giới trong tương lai gần.
Mặc dù các giải pháp về năng lượng sạch đã được thúc đẩy, nhưng với chỉ 20 triệu chiếc xe điện hiện nay thì chẳng thể làm giảm nhu cầu xăng dầu ngay được, đó là chưa kể đến hàng loạt tác dụng của dầu mỏ trong đời sống.
Tất nhiên, không phải ai cũng đồng thuận với quan điểm trên. Tập đoàn Citigroup dự đoán giá dầu có thể xuống 65 USD/thùng khi suy thoái kinh tế diễn ra.
*Nguồn: Bloomberg