Ngày 13/7, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận , đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về chủ trương đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận giao Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP.
Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam (bìa trái) làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT về việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt. Ảnh L.H |
Cụ thể, Công ty Bạch Đằng có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đường sắt và các quy định pháp luật khác. Nhà đầu tư đề xuất dự án chịu mọi chi phí, rủi ro trong các trường hợp hồ sơ không được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương, báo cáo nghiên cứu không được phê duyệt, dự án không lựa chọn được nhà đầu tư. Thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đề xuất trước ngày 31/12/2022.
Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài tuyến khoảng 83,5 km. Đầu tuyến là ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), cuối tuyến là ga Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km có 17 ga và trạm. Bên cạnh đó có 64 cầu, 5 hầm và 16 km lắp đặt đường ray răng cưa (đoạn qua Ninh Thuận 8 km). Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 27.780 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2030.
Ga Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận là ga đầu tuyến của tuyến đường sắt này. Ảnh L.H |
Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Nam đánh giá cao tâm huyết đầu tư, ý tưởng đề xuất của đơn vị chủ đầu tư. Ông đề nghị chủ đầu tư cần nghiên cứu sâu kỹ, có phương án đầu tư phù hợp, khả thi, tính kết nối, phù hợp quy hoạch. Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá đây là dự án lớn, nhiều tham vọng, con đường di sản, độc đáo theo ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư.
Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư cần lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương liên quan nhằm tăng tính kết nối, thu hút du lịch; làm rõ tính khả thi của dự án, bám sát mục tiêu theo hướng phát triển bền vững.
Trước đó, Công ty Bạch Đằng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được lập hồ sơ Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP. Nhà đầu tư đặt mục tiêu nghiên cứu khôi phục tuyến đường sắt răng cưa leo núi tương tự thời Pháp đã xây dựng.
Đoạn tuyến này trước đây dài 16km, ngoài đường ray thông thường khổ 1m, giữa đường ray còn có thêm một ray hình răng cưa, đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa. Nhiệm vụ của ray răng cưa này giúp đầu máy bám đường để vượt qua các đoạn đường dốc. Tuy nhiên, từ năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ, đầu máy cũng được thanh lý cho một đơn vị của Thụy Sỹ.
Hiện tuyến đường sắt này chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km, với đường ray thông thường khổ 1m phục vụ khai thác du lịch. Riêng phần đường sắt răng cửa tháo dỡ gần hết, chỉ giữ lại một đoạn ngắn tại ga Đà Lạt và một đầu máy hơi nước dưới dạng "bảo tàng" phục vụ khách tham quan.