"Cờ bạc, lừa đảo trực tuyến, cho vay nặng lãi gắn với tội phạm bản quyền. Kênh Xôi Lạc không đơn giản là các cháu hiếu kỳ phát livestream lên mạng lấy số cho vui mà gắn với tội phạm có tổ chức", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, nhận định trong hội thảo về phát thanh truyền hình ngày 13/10 tại TP HCM .
Đại diện Bộ cho rằng, bản quyền là vấn đề lớn, nhức nhối. Do đó thời gian tới, Bộ sẽ thành lập đội chuyên trách về vấn đề bản quyền với sự tham gia của cả Bộ Văn hóa và Bộ Công an.
Trong khi đó, bà Tô Nam Phương, đại diện FPT Play, cho biết: "Các giải đấu thể thao luôn bị livestream từ hành vi thô sơ nhất là cầm điện thoại quay lại phát lên mạng, đến những vi phạm tinh vi. Nếu một trận Cup C1 có bản quyền chỉ có vài trăm nghìn lượt xem, cùng lúc trên web lậu có hàng triệu người xem. Chỉ cần chuyển dịch 10% người xem trên những kênh vi phạm như Xôi Lạc quay về các kênh OTT, nguồn thu có thể tái đầu tư và phát triển thể thao".
Luật sư Phạm Thanh Thủy, đại diện K+, cho rằng vi phạm bản quyền diễn ra từ khắp các nền tảng livestream cho tới Facebook và cả TV Box nhập khẩu.
"Không ai lạ gì Xôi Lạc, Motchill là hai trang phát bóng đá và phim lậu lớn nhất hiện nay", bà Thủy nói và dẫn báo cáo của SimilarWeb cho thấy Việt Nam hiện có hơn 200 website phát phim lậu, thu hút 120 triệu lượt xem mỗi tháng. "Đây là con số không biết bao giờ FPT Play hay K+ mới cạnh tranh được".
Theo luật sư, những kênh này còn liều lĩnh tấn công cả những trang web chính phủ, như Xôi Lạc TV còn chèn link ẩn vi phạm bản quyền vào các website có đuôi .gov.
Theo các chuyên gia, nguồn sống của những trang này đến từ quảng cáo cờ bạc, phát tán phần mềm độc hại, là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc chặn trang web không còn hiệu quả trong cuộc chiến bản quyền. "Trung bình, để nộp đơn lên tòa án, xin lệnh chặn một website mất ít nhất hai ngày, trong khi đó tội phạm chỉ cần hai phút là có thể đổi tên thành một trang khác", luật sư Thủy nói.
Do đó, doanh nghiệp trong nước kiến nghị không chỉ chặn tên miền mà chặn cả dải IP. Đây cũng là phương pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng chống lại vấn nạn bản quyền.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng bên cạnh đấu tranh vi phạm bản quyền, việc nâng cao ý thức cộng đồng cũng đặc biệt quan trọng. Các nhà đài, doanh nghiệp khi phát sóng trực tiếp có thể lồng ghép các khẩu hiệu, thông điệp, kêu gọi người dùng tẩy chay website lậu.