Trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, lãi suất đã ở mức thấp đến mức nhiều người đã tin tưởng rằng muốn kiếm tiền, nhất định phải đầu tư chứng khoán. Quan điểm này trở nên phổ biến đến mức Phố Wall còn đặt tên là TINA (viết tắt của cụm ‘không có sự thay thế nào cho cổ phiếu’).
Rõ ràng rằng, thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro hơn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu lại tốt hơn rất nhiều so với mọi tài sản khác trên thị trường, nên nhà đầu tư không thấy nhiều lựa chọn tốt hơn để dốc tiền.
Fed đã thay đổi quan điểm đó. Để kiểm soát lạm phát, NHTW đã bắt đầu lộ trình nâng lãi suất mạnh tay nhất kể từ những năm 1980. Nhà đầu còn dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất lên khoảng 3% vào đầu năm 2023, từ mức gần bằng 0 vào đầu năm 2022. Kết quả là, nhiều cổ phiếu từng được giới đầu tư yêu thích nay đã rớt giá mạnh xuống mức thấp trong nhiều năm.
Sự thay đổi này đang ảnh hưởng đến thị trường và nhà đầu tư, khi những khoản lỗ ngày càng lớn với các quỹ phòng hộ, day trader và các quỹ quản lý hơn 4,5 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm nghỉ hưu ở Mỹ. Các startup cũng chịu áp lực tương tự khi mới chỉ 1 năm trước họ có thể dễ dàng kêu gọi vốn.
Ngày càng nhiều công ty nỗ lực niêm yết qua các SPAC đã phải huỷ kế hoạch do thị trường biến động. Các nhà đầu tư tiền số hay NFT đều trải qua một năm đầy khó khăn khi bước đi của Fed đã làm giảm sức hấp dẫn của một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn dù rủi ro cực kỳ cao.
Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi thị trường chứng khoán và chuyển sang những tài sản siêu an toàn, ít được ưa thích trong thập kỷ qua, chẳng hạn như: tiền mặt, tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi và các quỹ MMF. Nhà đầu tư đã đổ 51,4 tỷ USD vào thị trường MMF toàn cầu từ đầu năm đến nay, tính đến ngày 27/4. Đây là mức cao nhất trong 1 tuần kể từ tháng 10, theo Refinitiv Lipper.
Trong cả tháng 4, họ rút ròng 19,2 tỷ USD từ các quỹ ETF, con số lớn nhất kể từ năm 2019, số liệu của Mornignstar cho thấy. Trong khi đó, 47% các quản lý quỹ toàn cầu được Bank of America khảo sát hồi tháng 4 nói rằng tiền mặt đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trung bình trong danh mục đầu tư, mức cao nhất kể tháng 4/2020.
Một tin tốt lành với một số nhà đầu tư là, một số khoản đặt cược vào các tài sản an toàn đang mang lại lợi nhuận cao hơn. Tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng đang có lợi suất khoảng 0,97%, trong khi ở gần bằng 0 trong hầu hết 2 năm qua. Capital One Financial đang cung cấp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm với lợi suất trung bình hàng năm là 2,25%.
Jason Draho - người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, cho biết nhiều khách hàng tư nhân của họ đang chuyển sang nắm giữ tiền mặt thay vì đi tìm đáy thị trường. Ông nói: "Tôi không muốn mua thêm cổ phiếu."
Nếu cổ phiếu vẫn giữ đà tăng như vài năm qua, những lựa chọn thay thế như vậy lại không được nhà đầu tư quan tâm. Trong thập kỷ qua, tỷ suất lợi nhuận của S&P 500 là 17%. Tuy nhiên, những lo ngại của nhà đầu tư về việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lạm phát, phong toả phòng dịch và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu. Và TTCK đã trải qua một năm cực kỳ tồi tệ.
Trong năm 2022, S&P 500 đã giảm 16% và có tỷ suất sinh lời thấp nhất kể từ năm 2008. Ngay cả trái phiếu - bị ảnh hưởng bởi đợt bán tháo trên thị trường này, cũng không thể đứng vững. Bloomberg U.S. Aggregate Bond Index - chỉ số theo dõi chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản và trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư, có lợi suất -9,4% vào năm 2022.
Andy Kapyrin - CIO của RegentAtlantic, đang quản lý khoảng 6 tỷ USD tài sản, cho biết: "Trước đây, mọi người nói rằng ‘Tôi không muốn sở hữu trái phiếu nữa vì lợi nhuận quá thấp, thay vào đó tôi sẽ mua cổ phiếu’. Còn hiện tại họ lại nói ‘Tôi không muốn mua cổ phiếu vì thị trường đi xuống."
Điều khác lạ về phản ứng của nhà đầu tư là ở thập kỷ trước, các nhà quản lý tài sản thường nhanh chóng bắt đáy khi cổ phiếu giảm giá. Do đó, đà sụt giảm của thị trường thường không kéo dài lâu.
Còn hiện tại, thị trường không hồi phục như vậy. S&P 500 đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp, lần gần nhất chứng kiến tình trạng tương tự là năm 2011 khi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu diễn ra. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là hậu quả của việc Fed kết thúc thời kỳ "tiền rẻ" vốn thúc đẩy họ ồ ạt đổ tiền vào thị trường vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác hợp lý hơn.
Nhà đầu tư cho rằng, một lý do khiến thị trường khó phục hồi là một phép toán đơn giản. Tỷ lệ cổ tức của S&P 500 là khoảng 1,5%, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm là khoảng 2,9%. Draho cho hay, có thể thấy, việc nắm giữ cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn khi họ đã tìm thấy một lựa chọn thay thế ít rủi ro hơn.
Trước đây, sau thời gian đối mặt với lãi suất cao và cổ phiếu rớt giá, nhà đầu tư đã có được "trái ngọt". Ví dụ, Fed nâng lãi suất vào năm 1986 và 1987 để kiềm chế lạm phát. Sau khi TTCK sụt giảm vào ngày Thứ hai đen tối, NHTW ngay lập tức hạ lãi suất và giúp TTCK tạo ra lợi nhuận 2 con số trong 2 năm sau đó.
Gần đây, năm 2018, Phố Wall cũng rớt điểm sau khi Fed tăng lãi suất và cho biết sẽ tiếp tục lộ trình này vào năm sau. NHTW sau đó đã hạ lãi suất 3 lần, nỗ lực tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ trước tác động của cuộc chiến thương mại và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc. S&P 500 một lần nữa hồi phục, giúp nhà đầu tư ghi nhận tỷ suất sinh lời 2 con số trong các năm 2019, 2020 và 2021. Đương nhiên, lợi nhuận từ tiền mặt và các khoản đầu tư tương tự cũng đứng sau cổ phiếu trong giai đoạn đó.
Điều khiến nhà đầu tư đang chững lại là dự đoán Fed có thể tiếp cận mọi thứ theo cách khác ở lần này. Nhiều người tin rằng, ít có khả năng NHTW sẽ đảo ngược hướng đi trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ngay cả khi thị trường giảm sâu hơn. Điều này có thể khiến quan điểm TINA "mất nhiệt" trong một khoảng thời gian.
Fed đã chỉ ra rằng, ưu tiên hàng đầu của NHTW hiện tại là kiểm soát áp lực lạm phát. Trong bối cảnh hiện tại, CPI của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Chủ tịch Jerome Powell cũng nói rằng sự ổn định đối với giá cả là điều "cực kỳ cần thiết" vì nếu không có yếu tố này, các nền kinh tế sẽ không thể hoạt động hiệu quả.
Song, câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là: Bao lâu nữa Fed mới kiểm soát được lạm phát? Và thị trường sẽ có diễn biến ra sao trong khoảng thời gian đó?
Các nhà phân tích Phố Wall đã đưa ra một số kịch bản có thể diễn ra trong phần còn lại của năm nay.
Đầu tiên, Fed thực hiện đợt "hạ cánh mềm": hạ nhiệt nền kinh tế vừa đủ để lạm phát trở lại gần mục tiêu 2%, nhưng tránh được nguy cơ nền kinh tế suy thoái. Viễn cảnh này sẽ giúp cổ phiếu hấp dẫn trở lại.
Còn ở một kịch bản kém lạc quan hơn, việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế suy thoái. Lợi suất trái phiếu khi đó sẽ giảm, vì khi đó nhà đầu tư bi quan vào triển vọng kinh tế.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, câu trả lời là "không phải ngay lập tức". Năm 1949, lợi nhuận trung bình/cổ phiếu đã giảm 13% trong thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái và còn giảm sâu hơn trong thời gian sau đó. Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, S&P 500 đã giảm trung bình 24% so với mức đỉnh trong các cuộc suy thoái trước đây.
Nhà đầu tư có thể rút ra bài học là, sau một thời gian dài thị trường tăng giá bất thường, việc chỉ đổ tiền vào cổ phiếu không hề mang lại lợi nhuận mà họ vốn mong đợi trong thập kỷ qua.
Kapyrin đang khuyến nghị khách hàng hạn chế tiếp xúc với trái phiếu có kỳ hạn dài, vì loại tài sản này dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất hơn so với tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn. Ông cũng cho biết, khách hàng nên cân nhắc không nên đầu tư cổ phiếu công nghệ, mà hướng đến những thương hiệu chủ lực của đối với người tiêu dùng.
Ông nói: "Khi Fed đang thực hiện những bước đi trong quá trình như vậy, thì nhà đầu tư có rất ít nơi để chạy trốn. Thị trường sẽ không nằm trong tay bạn nữa."
Tham khảo WSJ